Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)


Giá dầu biến động trái chiều trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 18/12 trong bối cảnh thị trường đón nhận thông tin cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ trong tuần trước đã giảm, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không thay đổi tỷ lệ lãi suất hiện hành ít nhất là cho tới giữa năm 2015 tới.



Vào chiều 18/12 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2015 giảm 27 xu Mỹ xuống 56,20 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2015 lại tăng nhẹ 2 xu lên 61,20 USD/thùng.



Cứu cánh của giá dầu Mỹ trong phiên này là báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho hay lượng dầu dự trữ của nền kinh tế 'ngốn' nhiều dầu thô nhất thế giới trong tuần kết thúc vào ngày 12/12 đã giảm 800.000 thùng - tín hiệu cho thấy nhu cầu dầu đã tăng lên tại Mỹ.



Kết thúc cuộc họp cuối cùng kéo dài hai ngày của năm 2014, Fed đã nhất trí tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp 0-0,25% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi đã chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ QE3 vào hồi tháng 10 vừa qua.



Quyết định này của Fed đã vực dậy các thị trường tài chính và hàng hóa, trong đó có thị trường dầu, và 'đổ gáo nước lạnh' lên những đồn đoán rằng Fed có thể sẽ sớm tăng lãi suất. Những điều chỉnh về lãi suất thường được giới đầu tư dầu mỏ theo dõi chặt chẽ bởi nó sẽ khiến USD - đồng tiền được giao dịch trên thị trường dầu mỏ, tăng hoặc giảm theo.



Nếu USD mạnh lên, giá dầu sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các tiền tệ yếu hơn, qua đó làm giảm nhu cầu mua vào.



Như vậy là tính đến phiên này, kể từ đầu năm tới nay, giá dầu đã giảm khoảng 50% kể từ đỉnh cao kỷ lục được lập vào hồi tháng Sáu vừa qua, do những nguyên nhân chính như nguồn cung dồi dào trên toàn cầu, đồng bạc xanh mạnh lên và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) từ chối cắt giảm sản lượng./.


Theo vietnamplus.vn