Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Mtex - Semicodutor Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)


Sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản đồng tổ chức cuộc họp cấp cao Ủy ban đánh giá và xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản để tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 5.



Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trải qua hơn 11 năm thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, có thể nói rằng về cơ bản, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.



Kết quả có được ngày hôm nay thể hiện sự nỗ lực chung của cơ quan chính phủ Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời, minh chứng cho chính sách kiên trì của Chính phủ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.



Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada cho biết, Sáng kiến này đã bắt đầu khởi động từ năm 2003, đây là cơ chế hợp tác để cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam; đồng thời, góp phần đưa ra những chính sách phù hợp phát triển công nghiệp ở Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam thu hút hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.



Đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, ông Takahashi Kyouhei đánh giá, Sáng kiến chung này sẽ làm cho môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hấp dẫn hơn và hai bên cần tiếp tục thực hiện ở những giai đoạn tiếp theo.



Ông Takahashi Kyouhei khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng như trong khu vực ASEAN thông qua việc thực hiện Sáng kiến của giai đoạn 6.



Kế hoạch hành động giai đoạn 5 gồm 13 nhóm vấn đề với 26 hạng mục và 104 tiểu hạng mục, liên quan đến một số nội dung có tính trước mắt cũng như dài hạn, đó là: thực thi luật pháp, chính sách; thuế; hải quan-vận tải; dịch vụ; phi ngân hàng; sở hữu trí tuệ; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; bán lẻ; môi trường, lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn vệ sinh thực phẩm, và xây dựng kết cấu hạ tầng có sự tham gia của khu vực tư nhân.



Sau 16 tháng triển khai, về cơ bản, hai bên đã thực hiện tốt Kế hoạch hành động giai đoạn 5. Đến nay, 40 cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan có liên quan của Việt Nam với phía Nhật Bản đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về nội dung Kế hoạch hành động.



Nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cũng như việc tổ chức thực thi.



Theo kết quả đánh giá của Ủy ban đánh giá và xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, trong tổng số 104 tiểu hạng mục nêu tại kế hoạch hành giai đoạn 5, đã có 95 hạng mục triển khai tốt hoặc đang được triển khai và chỉ có 9 tiểu hạng mục chưa triển khai. Trong số 95 hạng mục nêu trên, thì 81 tiểu hạng mục đã triển khai tốt và đúng tiến độ; 14 tiểu hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ.



Trên cơ sở kết quả đạt được thời gian qua, hai Bên thống nhất về nguyên tắc sẽ tiếp tục hợp tác trong thời gian tới. Hiện nay, môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam đã và đang được ngày càng hoàn thiện, hệ thống luật pháp chính sách được xây dựng theo hướng minh bạch, có tính giải trình cao và phù hợp với thông lệ của quốc tế.



Do đó, các vấn đề vướng mắc mang tính kỹ thuật hoặc liên quan đến quy trình, thủ tục sẽ giảm tương đối; thay vào đó là những vấn đề dài hạn, tổng thể hoặc của ngành, của lĩnh vực. Vì vậy, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn VI sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cách thức hợp tác và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định vấn đề này./.




Theo vietnamplus.vn