Dịch vụ taxi thông qua phần mềm ứng dụng Uber. (Ảnh: nypost.com)


Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 34/2014 /HH-CV ngày 4/12 gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tạm dừng hoạt động của taxi qua dịch vụ Uber tại Việt Nam cho đến khi cơ quan Nhà nước có chế tài, quy định cụ thể đối với loại hình dịch vụ này.



Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, hiện tại, taxi Uber đã có mặt, hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ sớm xuất hiện tại Hà Nội.

Uber là loại hình dịch vụ taxi mới với những tiện ích như chỉ thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe taxi. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe.
Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.



Bên cạnh những tiện ích trên, ông Quân cũng đưa ra nhiều nhược điểm taxi Uber tại Việt Nam do Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa lái xe và hành khách, không được điều chỉnh bởi Luật Giao thông đường bộ Việt Nam.



“Taxi Uber là hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe, không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải là trái với luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô, không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải gồm: không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh vận tải,” vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội khẳng định.



Đặc biệt, ông Quân cũng nhìn nhận, những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng. Việc hoạt động kinh doanh của Taxi Uber cũng chưa được sự đồng ý cho phép của các cơ quan Nhà nước, hoạt động ngoài tầm kiểm soát, không đóng thuế nên gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các hãng khác.



Hơn nữa, Công văn Hiệp hội Vận tải cũng cho rằng, theo chính sách của cơ quan Nhà nước tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hiện tại không phát triển thêm phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh taxi bằng xe ôtô do cơ sở hạ tầng chưa cho phép. Do đó, việc phát triển hoạt động kinh doanh của Taxi Uber ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến trật tự giao thông đô thị.



Nhấn mạnh đối với hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber là không đảm bảo quyền lợi cho người đi xe, ông Quân khẳng định, quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ sẽ không được đảm bảo trong trường hợp khi xảy ra sự vụ, sự việc do lái xe không được quản lý, hoạt động không theo tổ chức, không được đào tạo.




Tại Việt Nam, Uber đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7/2014, gây một 'cơn bão” trong các doanh nghiệp taxi. Những ngày qua, cơ quan chức năng tại đây đã phải tiến hành kiểm tra, xử phạt một loạt các tài xế hoạt động taxi Uber, song theo nhận định, rất khó để xử lý tận gốc vì taxi Uber cũng không có logo, rất khó nhận dạng nếu hành khách không hợp tác.
Mới đây, Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh đã phải có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Giao thông Vận tải vào cuộc xem xét, làm rõ tính pháp lý của xe Uber như: Xe này có phép chưa, nếu chưa thì có nên cấp phép không? Việc chủ xe tham gia Uber để cung cấp dịch vụ vận chuyển là phù hợp quy định hay không? Việc quản lý, thu thuế như thế nào?



Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông, dịch vụ Uber hoàn toàn có thể hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nếu đảm bảo đăng ký kinh doanh.




“Uber chỉ cần đăng ký ở Việt Nam, có doanh thu phát sinh từ lãnh thổ Việt Nam thì phải đăng ký kinh doanh theo đúng quy định pháp luật và điều này khi kinh doanh ở bất kỳ ở quốc gia nào thì cũng phải thực hiện,” ông Khuất Việt Hùng nói.
Trong thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ kiến nghị với các bộ ngành, cần có những hướng dẫn cần thiết đầy đủ để đảm bảo dịch vụ, người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua dịch vụ Uber đến cho người dân là đúng quy định pháp luật và an toàn về mặt giao thông, đảm bảo an ninh chung cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và cho toàn xã hội./.




Theo vietnamplus.vn