Ông Douglas Barnes, Tổng lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Vương quốc Anh có chuỗi cung cấp hạt nhân cho toàn thế giới từ xây dựng, xử lý rác thải và vận hành an toàn, đây là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm cũng như hợp tác trong việc phát triển năng lượng hạt nhân với Việt Nam.



Đó là chia sẻ của ông Douglas Barnes, Tổng lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại buổi hội thảo 'Nâng cao năng lực thực thi chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam' do Đại sứ quán Vương quốc Anh phối hợp với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 2/12, tại Hà Nội.



Theo ông Douglas Barnes, năng lượng đang là thách thức của Việt Nam và cả thế giới trong bối cảnh các nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, do vậy việc phát triển năng lượng hạt nhân là một hướng đi thích hợp.



Tuy nhiên, một điều kiện quan trọng để phát triển điện hạt nhân an toàn và hiệu quả theo ông Douglas Barnes, cần có một khung pháp lý cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành.



'Rút kinh nghiệm từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần có những giải pháp về công nghệ, con người qua đó đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cao nhất,' ông Douglas Barnes nói.



Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, nguồn điện năng tiêu thụ chủ yếu là thuỷ điện và nhiệt điện, nhưng thời gian gần đây, do nguồn thủy văn trên các sông lớn đang có dấu hiệu cạn kiệt khiến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.



Bên cạnh đó, việc ứng dụng năng lượng tái sinh như gió, mặt trời có giá thành sản xuất cao, tính phân tán và không ổn định nên mới chỉ tạo được nguồn năng lượng nhỏ và chưa phải là giải pháp để cân bằng năng lượng.



Trước tình hình đó, chương trình phát triển điện hạt nhân được coi là sự lựa chọn khả thi nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng cho đất nước.



Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện các khung pháp lý cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì mục đích hòa bình tại tỉnh Ninh Thuận.



Song song với việc thẩm định, phê duyệt, Việt Nam đang tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo các điều kiện triển khai dự án cũng như làm chủ công nghệ điện hạt nhân.



'Với kinh nghiệm của Vương quốc Anh, Việt Nam sẽ có những giải pháp phù hợp nhằm xây dựng và phát triển điện hạt nhân đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cao nhất,' ông Nguyễn Khắc Thọ nhấn mạnh.



Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày (2-3/12) nhằm giới thiệu khung pháp lý cũng như kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong vấn đề xây dựng, quản lý và vận hành điện hạt nhân, qua đó giúp Việt Nam có kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng điện nguyên tử vì mục đích hòa bình.



Trước đó, ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, trong đó mỗi nhà máy gồm bốn tổ máy (công suất mỗi tổ máy khoảng 1.000MW).



Ðịa điểm xây dựng: Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.



Ngày 4/5/2010, Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.



Theo lộ trình thực hiện, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng từ năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành sau năm 2020.




Theo vietnamplus.vn