Dịch vụ taxi thông qua phần mềm ứng dụng Uber. (Ảnh: adn.com)


Sự xuất hiện của các ứng dụng di động giúp tạo ra sự kết nối giữa khách hàng và tài xế đang khiến thị trường vận tải taxi thêm sôi động. Trong số các ứng dụng, taxi Uber đang là tâm điểm bàn cãi bởi tính pháp lý của dịch vụ này.



Uber là phần mềm hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.



Theo đó, người có nhu cầu đi xe đăng ký hành trình trên ứng dụng, hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó và phản hồi cho khách biết về lộ phí, đặc điểm, thông tin tài xế và chiếc xe sắp có mặt.



Các xe tham gia Uber với cước rẻ hơn taxi truyền thống 20%. Người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Master Card, Visa… chủ xe hưởng 80%, còn Uber sẽ lấy 20% 'hoa hồng'.



Tại Việt Nam, Uber đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7/2014 và mới đây là Hà Nội nhưng đã gây một cơn “bão” trong các doanh nghiệp taxi. Những ngày qua, cơ quan chức năng tại đây đã phải tiến hành kiểm tra, xử phạt một loạt các tài xế hoạt động taxi Uber, song theo nhận định, rất khó để xử lý tận gốc vì taxi Uber cũng không có logo, rất khó nhận dạng nếu hành khách không hợp tác.



Mới đây, Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh đã phải có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Giao thông Vận tải vào cuộc xem xét, làm rõ tính pháp lý của xe Uber như: Xe này có phép chưa, nếu chưa thì có nên cấp phép không? Việc chủ xe tham gia Uber để cung cấp dịch vụ vận chuyển là phù hợp quy định hay không? Việc quản lý, thu thuế như thế nào?



Bày tỏ ra băn khoăn về loại hình mới này tại Việt Nam, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhìn nhận, đây là dịch vụ rất khoa học, văn minh và có nhiều tiện ích cho người sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dịch vụ này có hợp pháp không, có nộp thuế hay không? Có đăng ký kinh doanh không? Thứ nữa, những vấn đề phát sinh từ dịch vụ này phải xử lý như thế nào?



Tại cuộc họp báo chiều nay (1/12) tại Bộ Giao thông Vận tải, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), người sử dụng khá ưa chuộng loại dịch vụ này vì giá thành rẻ, tính kết nối nhanh. Tuy nhiên, với cơ quan quản lý Nhà nước thì đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh, cần có hình thức quản lý và chế tài xử phạt.



“Nếu dịch vụ này được ứng dụng trong các doanh nghiệp taxi hiện nay thì chúng tôi rất hoan nghênh vì mang lại nhiều tiện ích như phần mềm cho taxi chiều về, kết nối cho hành khách rất nhanh. Nhưng còn hoạt động như hiện nay thì về góc độ quản lý Nhà nước là không đáp ứng các điều kiện về kinh doanh”, ông Trần Bảo Ngọc cho biết.



Lý giải rõ hơn, vị Vụ trưởng Vụ Vận tải này cho rằng, taxi Uber là loại hình rủi ro do không đăng ký kinh doanh vận tải, không đóng thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước, không đảm bảo an toàn giao thông khi không có trách nhiệm bảo đảm tính mạng cho hành khách, xe không đóng bảo hiểm cho hành khách nên khi xảy ra sự cố sẽ không nhận được khoản bảo hiểm nào.



Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm, taxi Uber không có tính pháp lý để hoạt động chở khách như taxi thông thường bởi hoạt động kinh doanh taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh, đóng thuế và chịu trách nhiệm về an toàn đối với người sử dụng.



Trước kiến nghị của Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh và đưa ra biện pháp quản lý loại hình ứng dụng phần mềm Uber tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị chỉ đạo các lực lượng liên quan kiểm tra tính pháp lý của taxi Uber, phát hiện xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô cũng như các quy định khác; có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật nếu có của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber.



Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra nội dung thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber, xử lý theo quy định nếu có.



Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Thông tin truyền thông đề nghị các cơ quan chức năng tuyên truyền về thực tế hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber, không bảo đảm quyền lợi cho người đi xe vì đây không phải hình thức kinh doanh vận tải phù hợp quy định; người điều hành, người lái xe không được quản lý theo quy định do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông cũng như an toàn tài sản của chính bản thân người đi xe./.




Theo vietnamplus.vn