Khu du lịch hồ Thủy Tiên (tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có quy mô sử dụng đất trên diện tích 63ha; trong đó bố trí 30% diện tích xây dựng các công trình kiến trúc và 70% là cây xanh, mặt nước, giao thông.



Dự kiến, đây sẽ là khu du lịch sinh thái tổng hợp cao cấp đầu tiên ở Thừa Thiên-Huế với trung tâm hội nghị, khu du lịch spa, nhà hàng, nghỉ dưỡng lưu trú, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, công viên vui chơi giải trí và cắm trại ngoài trời.



Công trình được đầu tư xây dựng từ năm 2004, với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 70 tỷ đồng, bao gồm hệ thống công viên nước, phòng trò chơi thế giới ảo, thủy cung, du thuyền trên hồ, sân khấu nhạc nước, nhà hàng 200 khách, nhà giải khát…, từ đó tạo ra một khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng hấp dẫn, người dân địa phương có thêm công việc làm.



Tuy nhiên, chỉ sau một vài năm đi vào hoạt động, khu du lịch trở nên hoang phế.



Lối vào Khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên giờ cỏ mọc kín, chỉ có một người bảo vệ vừa bán vé, vừa làm nhiệm vụ đóng mở cổng. Càng đi sâu vào bên trong khu du lịch càng hoang tàn và xuống cấp nghiêm trọng. Nhà thủy cung hình con rồng ôm quả cầu (điểm nhấn của khu du lịch) lớp sơn đã bị bong tróc, trần nứt vỡ, rêu phong phủ kín.



Phía nam khu hồ là bốn ngôi biệt thự được xây dựng dang dở cũng bỏ hoang giữa cây bụi um tùm. Cách khu vực thủy cung không xa là khu vực công viên nước với sân khấu nhạc nước hoành tráng có sức chứa 2.500 chỗ ngồi giờ chỉ còn lại những hàng ghế nhựa phủ kín cỏ dại.



Bên cạnh đó, vườn tượng, bao gồm những tác phẩm điêu khắc diễn ra tại kỳ Festival 2004 thiếu bàn tay chăm sóc, bảo vệ của con người cộng với những tác động khắc nghiệt của thiên nhiên đã xuống cấp nghiêm trọng, mất đi tính thẩm mỹ vốn có.



Dự án Khu du lịch hồ Thủy Tiên do Công ty Du lịch Cố đô đầu tư ban đầu, sau đó chuyển giao cho Công ty HACO Huế (Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thương mại Đầu tư Xây dựng Hà Nội) quản lý.



Khi tiếp nhận dự án, HACO Huế đã nhiều lần điều chỉnh phương án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch hồ Thủy Tiên với dự kiến từ cuối năm 2014 trở đi, đơn vị sẽ đầu tư thêm 30 tỷ đồng để làm sống lại khu du lịch.



Tuy nhiên, hiện tại do chủ đầu tư và đơn vị tư vấn vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa quy hoạch nên chưa biết đến bao giờ khu du lịch hồ Thủy Tiên mới được đầu tư hoàn chỉnh để hoạt động trở lại.



Theo ông Nguyễn Thái - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thủy Bằng, ngay từ khi tiếp nhận dự án, đại diện Công ty HACO đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng như chính quyền xã Thủy Bằng nhằm tìm ra phương pháp cải thiện tình hình hiện tại.



Phương án Công ty HACO Huế dự kiến sẽ thực hiện là nâng cấp các hạng mục như nhà hàng, khách sạn, cải tạo lại hồ Thủy Tiên, mở rộng đầu tư để phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Huế cũng như các tỉnh đến tham quan du lịch song đến nay công việc vẫn 'dẫm chân' tại chỗ.



Về hiện trạng Khu du lịch hồ Thủy Tiên bị bỏ hoang, xuống cấp, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đang tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa quy hoạch lại chi tiết khu du lịch để trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Theo phương án của Công ty HACO Huế, ngoài vốn đầu tư tăng thì diện tích khu du lịch cũng sẽ tăng từ 49ha lên 63ha.



Như vậy, trong khi các bên liên quan còn đang nghiên cứu, chỉnh sửa..., tình trạng hoang phế tại Khu du lịch hồ Thủy Tiên vẫn còn kéo dài, công trình trị giá hàng chục tỷ đồng vẫn tiếp tục xuống cấp trước tác động của thiên nhiên./.




Theo vietnamplus.vn