Ảnh minh họa. (Nguồn: notitarde.com)


Dù đi lên trong phiên cuối tuần (17/10) và nửa cuối phiên trước đó (ngày 16/10), song chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn kết thúc tuần giao dịch đầy biến động vừa qua với số điểm thấp hơn so với một tuần trước do những gì được lấy lại trong hai phiên cuối tuần không đủ để bù cho số điểm đã bị mất trong các phiên trước đó.



Chốt tuần, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều giảm so với tuần trước nữa, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp, song mức độ giảm của tuần này đã ít đi.



Dow Jones Industrial Average đóng tuần để mất 163,69 điểm (0,99%) xuống 16,380,41 điểm; S&P 500 tụt 19,37 điểm (1,02%) xuống 1.886,76 điểm và Nasdaq Composite lùi 17,80 điểm (0,42%) về 4.258,44 điểm.



Từ đầu tuần cho đến tận giữa tuần, chứng khoán Mỹ hầu như chỉ một chiều đi xuống do nhà đầu tư lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nữa tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng như khả năng lan rộng của đại dịch Ebola. Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng sau khi có tin một nữ y tá ở Dallas bị nhiễm virus Ebola.



Thông tin này đã khiến chỉ số Dow Jones phiên giữa tuần (15/10) xuyên qua mốc 16.000 điểm. Đà bán tháo cổ phiếu trong phiên này còn xuất phát từ hai chỉ số kinh tế gây thất vọng cho thị trường khi cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể là không mạnh như đa số kỳ vọng.



Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng Chín vừa qua, doanh thu bán lẻ của Mỹ đã sụt giảm 0,3% - lần sụt giảm đầu tiên trong bảy tháng qua; trong khi theo Bộ Lao động Mỹ, giá thành sản xuất cũng trượt giảm 0,1% và là lần trượt giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2013. Những số liệu yếu kém này đã dìm thị trường chứng khoán Mỹ ngập trong sắc đỏ phiên 15/10.



Tuy nhiên, trong phiên 16/10 sau đó, nhà đầu tư đã 'mỉm cười' trở lại trước hai thông tin tích cực gồm sản lượng công nghiệp của Mỹ đã tăng 1,0% trong tháng Chín, trong khi lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước nữa (kết thúc ngày 11/10) lại giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm.



Cũng trong phiên này, nhà đầu tư đón nhận thông tin cho biết James Bullard, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại St Louis, đề xuất rằng Fed có thể nên kéo dài chương trình mua trái phiếu (QE3) thêm một thời gian, thay vì chấm dứt như kế hoạch đã đặt ra.



Phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg, ông Bullard cho biết ông thấy quan ngại trước dự báo lạm phát đang giảm đi và cho rằng chương trình nới lỏng định lượng QE3 - một biện pháp kích thích kinh tế, nên được tiếp tục.



Theo trưởng bộ phận đầu tư Alan Skrainka tại Cornerstone Wealth Management, phát biểu của ông Bullard 'rất quan trọng' vì có thể nó sẽ là 'khúc dạo đầu' cho những ý kiến của các quan chức Fed khác trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ rõ ràng là vẫn còn khá 'mong manh', không mạnh như từng được đánh giá./.




Theo vietnamplus.vn