Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Ukraine sẽ không kịp nạp đủ lượng khí đốt cần thiết, ước tính 18-20 tỷ m3 vào các hầm chứa ngầm để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm trong mùa Đông cũng như đảm bảo cho hoạt động chuyển tải khí đốt.



Tổng Giám đốc Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) ông Alexey Miller đã nhận định như vậy khi đề cập đến vấn đề năng lượng tại quốc gia láng giềng.



Phát biểu trước báo giới ngày 7/10, ông Miller khẳng định sẽ không còn đủ thời gian để Ukraine hút đủ lượng khí đốt dự trữ ít nhất là 18 tỷ m3, thậm chí là 20 tỷ m3 cho các hầm chứa ngầm.



Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nhu cầu bổ sung khí đốt của Ukraine có thể lên tới 10 tỷ m3. Theo ông, các hầm chứa ngầm của Ukraine nạp được khoảng 16,5 tỷ m3, trong số này lượng khí đốt thực tế có thể sử dụng là 11-12 tỷ m3, số còn lại là để dự phòng.



Theo thỏa thuận tạm thời giữa Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đạt được cuối tháng 9 vừa qua ở Berlin (Đức), Nga sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu Kiev trả khoản nợ trị giá 3,1 tỷ USD cho Tập đoàn Gazprom của Nga theo thời hạn đến cuối tháng 12 tới.



Ngoài ra, theo thỏa thuận trên, Gazprom sẽ cung cấp cho Ukraine ít nhất 5 tỷ mét khối khí đốt trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu trong mùa Đông. Ukraine hiện chỉ nhận được khí đốt ngược dòng từ các nước Liên minh châu Âu (EU) do nguồn cung từ Nga bị cắt từ ngày 16/6.



Trước nguy cơ Ukraine thiếu khí đốt trong mùa Đông giá rét sắp tới, Mỹ tuyên bố sẽ giúp Ukraine tìm kiếm nguồn sưởi ấm mới. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz thừa nhận đây là một vấn đề khó khăn nhưng Mỹ đang xem xét để giúp đỡ Ukraine.



Cũng liên quan đến vấn đề khí đốt, ngày 7/10, Slovakia đã đề nghị EU 'bù đắp' cho nước này lượng năng lượng thiếu hụt sau khi Nga cắt một phần nguồn cung cho nước này.



Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Kinh tế Slovakia Miriam Ziakova cho biết trong cuộc thảo luận với Ủy viên phụ trách về vấn đề năng lượng của EU Gunther Oettinger diễn ra ngày 5/10 vừa qua, đại diện Bộ Kinh tế Slovakia khẳng định nước này cần được đảm bảo rằng EU sẽ hỗ trợ và giúp Bratislava giải quyết những vấn đề có thể phát sinh liên quan đến nguồn năng lượng.



Đầu tháng 9 vừa qua, Slovakia đã khánh thành tuyến đường ống có khả năng vận chuyển khí đốt ngược từ EU đến Ukraine, ước tính có thể cung cấp 20% lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm của quốc gia Đông Âu này trong bối cảnh chính quyền Kiev đang tìm cách đối phó với việc Nga ngừng cung cấp khí đốt trước mùa Đông.



Theo giới phân tích, đây có thể là nguyên nhân khiến Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho Slovakia./.




Theo vietnamplus.vn