Càphê hạt được phơi khô. (Ảnh minh họa: Phương Hoa/TTXVN)


Những năm gần đây, cây càphê luôn được chính quyền huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) xác định là cây mũi nhọn giúp bà con nhân dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên vùng đất còn nhiều gian khó.



Chất lượng của càphê Mường Ảng được các chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng.



Do vậy, việc xây dựng thương hiệu “càphê Mường Ảng” đã và đang được chính quyền và nhân dân nơi đây nỗ lực thực hiện.



Tuy mới vào đầu mùa thu hoạch nhưng thông tin về giá càphê thu mua đã ở mức khá cao khiến người dân Mường Ảng vô cùng phấn khởi, chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu. Gia đình ông Hoàng Văn Nam ở bản Bua (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng) có 3 ha càphê đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.



Ông Nam và những công nhân làm thuê đang tiến hành bứt, tỉa nhánh, lá cho gọn để tiến hành thu hoạch dễ dàng. Dù làm việc dưới cái nắng gắt vào đầu chiều, ông Nam dường như quên hết mệt mỏi vì vụ càphê năm nay vừa năng suất cao lại được giá.



Ông Nam vui mừng cho biết: 'Năm nay vườn càphê của tôi khá được mùa, với 3ha này, năm ngoái tôi thu được 4 tấn khô nhưng năm nay khả năng sẽ đạt trên 5 tấn khô. Mặt khác, dù mới vào vụ nhưng giá thu mua càphê hiện tại là khoảng 8.000 đồng/kg quả tươi. Đó là mức giá thu mua khá cao, so với năm ngoái là 4.000-5.000 đồng/kg quả tươi. Nhờ mức giá thu mua cao sẽ giúp người dân trồng càphê như chúng tôi nâng cao thu nhập để phát triển kinh tế.'



Đối với gia đình bà Lê Thị Tơ, ở Tổ 1 (thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng), kinh tế của gia đình phụ thuộc vào 1ha càphê. Tuy năm nay năng suất không cao hơn năm ngoái nhưng gia đình chị đang rất phấn khởi vì nghe thông tin giá càphê thu mua tăng cao.



Theo ông Ngô Cương Quyết, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Ảng, giá thu mua càphê hiện tại là trên 8.000 đồng/kg quả tươi, mức giá này cao hơn nhiều so với những năm gần đây.



Chính quyền huyện và người dân trồng càphê trên địa bàn huyện Mường Ảng đang kỳ vọng trong liên vụ càphê năm nay, mức giá sẽ đạt trên 9.000 đồng/kg quả tươi. Nếu so với các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô thì lợi nhuận của cây càphê vẫn cao gấp 2,5-3 lần.



Để giúp người dân an tâm sản xuất, chính quyền huyện Mường Ảng luôn chủ động giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Ảng chủ động để liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, giúp bà con yên tâm trồng càphê mà không lo bị ép giá.



Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Ảng, diện tích càphê toàn huyện tăng nhanh từ năm 2008 trở lại đây, hàng năm huyện trồng mới từ 250ha đến 500ha. Đến nay, diện tích càphê là hơn 3.300ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2008 (gần 350ha).



Càphê được trồng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở thị trấn Mường Ảng, xã Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa.



Tuy nhiên, việc phát triển cây càphê vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sản xuất tự phát, một số diện tích càphê không trồng theo quy hoạch, đặc biệt một số hộ gia đình tự phá rừng đề trồng càphê.



Một số vườn càphê chất lượng còn thấp; phần lớn diện tích cây càphê chưa trồng cây che bóng, chưa có hệ thống tưới ẩm.



Phát triển cây càphê thời gian qua mới chỉ quan tâm đến vùng nguyên liệu, chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ.



Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chọn lựa giống, trồng, chăm sóc vườn cây, thu hoạch, chế biến, bảo quản, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa được người trồng càphê quan tâm đúng mức.



Việc thu hái chưa đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Các cơ sở chế biến càphê hiện nay trên địa bàn đều có quy mô nhỏ theo công nghệ chế biến ướt và không xử lý chất thải đúng quy trình, nhiều cơ sở chế biến chưa đầu tư máy sấy mà phơi trên nền sân bêtông.



Bởi vậy để xây dựng và phát triển thương hiệu càphê Mường Ảng, chính quyền và nhân dân nơi đây vẫn còn nhiều việc phải làm.



Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Ảng cho biết để định hướng lâu dài để cho người dân yên tâm phát triển cây càphê, huyện Mường Ảng đã thành lập Hội càphê từ năm 2013.



Hiện nay Hội càphê Mường Ảng đã gia nhập vào Hiệp hội càphê Ca cao Việt Nam, thông qua Hội này nhằm liên kết các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho người dân. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến càphê nhân xuất khẩu trên địa bàn huyện.



Huyện sẽ tạo các cơ chế, chính sách đặc thù giúp cho các doanh nghiệp có quỹ đất hợp lý để xây dựng nhà máy nhằm từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu “càphê Mường Ảng.”



Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Mường Ảng cũng cho biết, từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tập trung xây dựng nhãn hiệu “càphê Mường Ảng,” góp phần nâng cao vị thế và sức mạnh của sản phẩm trên thị trường và sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng giá trị, uy tín của sản phẩm; quảng bá và giới thiệu càphê Mường Ảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ…



Trong những năm tới, Mường Ảng phấn đấu tiếp tục duy trì và phát triển cây càphê, đến năm 2020, huyện phấn đấu diện tích trồng càphê đạt khoảng 4.000ha, sản lượng bình quân khoảng 10.000 tấn càphê trấu/năm. Để xây dựng thương hiệu “càphê Mường Ảng,” huyện sẽ chú trọng đến chất lượng càphê.



Trong thời gian tới, Mường Ảng sẽ thí điểm khu vực trồng càphê theo tiêu chuẩn 4C quốc tế (canh tác dựa trên những tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội) để từ đó mở rộng ra toàn huyện.



Cũng trong định hướng đến năm 2020, Mường Ảng phấn đấu xây dựng từ 1-2 nhà máy chế biến càphê xuất khẩu; 75% diện tích càphê được trồng cây che bóng, trong đó 35% diện tích được trồng các loại cây che bóng có giá trị kinh tế cao. Ví dụ như cây mắc ca, người dân sẽ được hỗ trợ 100% giá trị cây che bóng này.



Từ sau khi mô hình thí điểm cây mắc ca năm 2009, đến nay, toàn huyện có hơn 260 ha mắcca trồng xen canh và tập trung. Một số diện tích mắcca xen canh đã cho bói quả, đem lại tín hiệu đáng mừng cho người dân nơi đây.



Theo giá thị trường, hiện nay, quả mắcca được bán với giá 250.000-300.000 đồng/kg, giá bán cao hơn nhiều lần càphê. Bởi vậy, nếu trồng xen càphê và mắcca sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao, hứa hẹn giúp bà con nhân dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả và vươn lên làm giàu./.


Theo vietnamplus.vn