Ảnh minh họa. (Nguồn: nepalnews.com)


Trong phiên giao dịch 29/9, giá vàng thế giới đi xuống, sau số liệu tích cực về kinh tế Mỹ, song đà giảm của kim loại quý này đã bị kiềm chế bởi những lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, do cuộc biểu tình tại Hong Kong.



Vào cuối phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.217,20 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2014 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) tăng 3,4 USD và đóng cửa ở mức 1.218,80 USD/ounce.



Sang đầu phiên 30/9, giá vàng giao ngay tại Singpapore không có nhiều thay đổi và giữ ở mức 1.216,55 USD/ounce.



Trong tháng 8/2014, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã tăng 0,5%. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mức lãi suất siêu thấp kéo dài nhiều năm đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.



Chỉ số đồng USD đã vọt lên mức đỉnh trong 4 năm vào đầu phiên, trong bối cảnh thị trường chờ đợi Mỹ công bố một loạt số liệu kinh tế quan trọng, trong đó có báo cáo về thị trường việc làm. Thông tin kinh tế tích cực có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, động thái bất lợi đối với giá vàng.



Bên cạnh đó, thị trường vàng cũng chịu sự chi phối từ các cuộc biểu tình lớn tại Hong Kong. Theo hãng tin Tân Hoa xã, phong trào 'Chiếm Trung tâm' kéo dài sang ngày 29/9 khiến các tuyến đường chính ở một số địa điểm tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục bị phong tỏa, nhiều trường học phải đóng cửa và giao thông hỗn loạn ở nhiều quận.



Tình trạng bất ổn tại Hong Kong có thể tác động tiêu cực đến doanh số bán lẻ. Hiện Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại nước này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng.



Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 1,2 tấn xuống 772,25 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008./.




Theo vietnamplus.vn