Nhân viên y tế sử dụng hệ máy xét nghiệm sinh hóa tự động trong công tác chẩn đoán bệnh. (Ảnh: TTXVN)
Bài 1: Câu chuyện về nồi hấp tiệt trùng và máy sinh hóa
Hơn 80% thiết bị y tế ở Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài. Điều đó đủ nói lên tầm quan trọng của việc kiểm soát đầu vào lẫn quản lý sử dụng những thiết bị có liên quan trực tiếp tới sức khỏe của người dân.



Nhưng hàng loạt những sai phạm bị phát hiện gần đây liên quan tới việc quản lý và sử dụng thiết bị y tế một số bệnh viện ở Thủ đô Hà Nội khiến dư luận phải sửng sốt, trong đó có nhiều hoài nghi được đặt ra.



Những câu hỏi như các cơ quan chức năng thực sự kiểm soát và quản lý trang thiết bị nhập khẩu này tới đâu? Chất lượng thực tế của những loại máy móc trên liệu có đáng tin cậy? Trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp giữa hai ngành y tế và hải quan là đã chặt chẽ? Còn có những “lỗ hổng” nào mà một số doanh nghiệp đang lợi dụng để nhập khẩu những máy móc y tế được “phù phép” để kiếm siêu lợi nhuận..., tất cả đang chờ được giải đáp.



Gian lận các thiết bị y tế “siêu” lợi nhuận



Một vị đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) dẫn chứng, đã từng có vụ việc ngành hải quan phát hiện một lô hàng ghi trong tờ khai là nồi hấp tiệt trùng, tuy nhiên khi kiểm tra thì thực tế trong ruột lại là máy sinh hóa đã cũ.



Không cần phải bình luận gì nhiều về sự khác biệt giá trị của hai loại thiết bị này. Đó chỉ là một phần trong vô số những chiêu thức “phù phép” mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực nhập khẩu thiết bị y tế.



Thời gian gần đây, những vụ việc “chấn động” liên quan đến máy móc trang thiết bị y tế khiến người dân không khỏi hoang mang và rùng mình về việc chất lượng thực tế của những loại máy móc trên liệu có đáng tin cậy?



Đánh giá về vấn đề quản lý trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng thừa nhận, hiện có bất cập, xuất hiện gian lận thương mại, một số máy móc trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, có thể máy cũ, tân trang.



Theo người đứng đầu ngành y tế, nguyên nhân là do khâu đấu thầu, thẩm định, mua sắm, chưa đủ người để tiến hành hậu kiểm được hết. Thực chất, Bộ Y tế hiện chỉ cấp phép trên giấy tờ, còn nhiều doanh nghiệp cứ tìm mọi cách để lách luật và qua mặt các cơ quan chủ quản.



Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Là đơn vị quản lý trực tiếp của Bộ Y tế về lĩnh vực này, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế phân tích, gian lận thương mại xảy ra ở một số nhóm thiết bị y tế vì khi đưa vào sử dụng nó có thể mang lại lợi nhuận cao.



“Trước đây chúng tôi quan tâm, quản lý rất chặt đến thiết bị X quang, chẩn đoán hình ảnh nên không có chuyện gian lận thương mại. Cho đến giờ những thiết bị đó được quản lý chặt, đưa vào tương đối nề nếp. Nhưng thời gian gần đây, lại nảy sinh gian lận trong các thiết bị xét nghiệm, bởi đây là thiết bị mang lại lợi nhuận rất lớn,” ông Tuấn chỉ rõ.



Lợi dụng sự thông thoáng



Theo một số chuyên gia trong ngành, những hành vi gian lận thương mại thiết bị y tế điển hình hiện nay gồm giả mạo hoặc tự ý sửa chữa hồ sơ, tài liệu, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế của Bộ Y tế; giả mạo giấy tờ pháp lý của cơ quan chức năng của Việt Nam hoặc của nước ngoài; sử dụng con dấu giả hoặc giả mạo chữ ký hoặc con dấu của các cơ quan liên quan trong hồ sơ nhập khẩu trang thiết bị y tế…



Sau vụ việc thiết bị y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín (Hà Nội) bị “phanh phui,” ông Tuấn cho hay: Bộ Y tế khẳng định cấp phép nhập khẩu máy mới 100% và họ làm đúng theo quy trình Thông tư 24 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình thủ tục cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế.



Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế chỉ rõ, trong một số trường hợp khác, doanh nghiệp làm khâu hồ sơ giấy tờ thì đầy đủ, nhưng khi nhập khẩu về, họ (doanh nghiệp) lợi dụng chính sách thông thoáng của hải quan để nhập khẩu máy cũ nhưng khai là máy mới. Thứ hai, họ khai không phải là thiết bị y tế, nhưng để tránh phải kiểm tra để đi vào luồng xanh nhưng thực tế bên trong ruột lại là thiết bị y tế.
Điều thứ ba, cũng theo ông Tuấn, là các doanh nghiệp trà trộn các loại hàng khác nhau, một container có rất nhiều loại để “nhồi” vào. Thứ tư là việc sửa (hoặc giả mạo) giấy tờ, giấy phép… Ông Tuấn cho rằng tất cả những hành động đó đều là gian lận thương mại và kết luận: “Doanh nghiệp làm thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm”./.

Bài 2:
Hải quan: Cần có cảnh báo mặt hàng trang thiết bị y tế “nóng”


<blockquote>
Một số vụ sai phạm liên quan đến trang thiết bị y tế trong thời gian gần đây:



-
Trong tháng Bảy, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường; Sở Y tế Hà Nội; Công an huyện Thường Tín, đã tiến hành kiểm tra Bệnh viện Đa khoa Thường Tín và phát hiện bệnh viện này sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ phục vụ công tác khám chữa bệnh.



-Ngày 12/8, Đội quản lý trường số 14 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt máy, thiết bị y tế không rõ xuất xứ tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.



+ Tại thời điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh có địa chỉ tại số 38 Phùng Hưng, Hà Đông (Hà Nội). đoàn kiểm tra đã tạm giữ 1 chiếc máy chụp X-quang, 1 chiếc máy siêu âm, 1 chiếc máy điện tim. Nguyên nhân là do chủ cơ sở trên chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị y tế.



+ Kiểm tra tại cơ sở kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh có địa chỉ tại số 111 Phùng Hưng, Hà Đông (Hà Nội), đoàn kiểm tra đã phát hiện một máy điện tim buộc phải kiểm định nhưng chưa kiểm định.



+ Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh có địa chỉ tại 73 Phùng Hưng, Hà Đông (Hà Nội) đoàn kiểm tra đã tạm giữ 8 chiếc máy thiết bị y tế không có hóa đơn, chứng từ. Lực lượng chức năng đã niêm phong và giao cho cơ sở tự bảo quản.
</blockquote>




Theo vietnamplus.vn