Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng gần 90 chợ ở khu vực nông thôn, đa số các chợ vẫn họp theo phiên (trung bình 5 ngày một phiên) theo phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc.



Các phiên họp chợ là cơ hội để người dân mua nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu cho cả gia đình, song, có một nghịch cảnh trớ trêu là không phải cứ có tiền là mua được hàng hóa theo nhu cầu, đặc biệt là các mặt hàng do Việt Nam sản suất, bởi việc đưa hàng Việt về các chợ, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được các doanh nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn quan tâm.



Trong một chuyến đi công tác, chúng tôi đã có dịp tham gia một phiên chợ ngay tại thị trấn huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Tuy họp hàng ngày, nhưng chợ đông hơn rất nhiều khi vào đúng phiên, bởi theo phong tục và điều kiện đi lại khó khăn nên người dân địa phương chỉ tập trung đi chợ khi đến phiên.



Người dân họp chợ thường mang theo hàng hóa do gia đình mình làm ra, từ lợn, gà, vịt, đến rau, củ, quả, măng... Thường chỉ khoảng sau một, hai tiếng đồng hồ, những hàng hóa của đồng bào đưa về chợ bán hết veo, mọi người lại tỏa đi tìm mua những mặt hàng nhu yếu phẩm để gia đình dùng trong những ngày tới.



Sau một hồi vòng vèo khắp chợ, chị Hoàng Thị Huệ, nhà ở xã Yên Khoái, Lộc Bình thở dài chia sẻ: 'Nghe bà con nói, xuống chợ này có hàng bát, đĩa, xong, nồi ở dưới xuôi đưa lên bán rẻ mà dùng tốt, nay tôi bán được lứa lợn giống, định tìm mua một ít để dùng nhưng tìm mãi chẳng thấy.'



Cũng như chị Huệ, bà Hoàng Thị Yên ở xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình cũng nhấp nhổm không yên vì đã hứa với ông lão ở nhà sẽ mua cho ông bộ ấm chén Bát Tràng nhưng cũng không tìm được hàng.



Quả thật, sau khi đi vài vòng quanh chợ, chúng tôi nhận thấy, hàng hóa tuy có vẻ nhiều nhưng những mặt hàng đồ dùng, nhu yếu phẩm của Việt Nam rất ít, có chăng lèo tèo một vài hàng bán nước rửa chén, bát, xà phòng, bột giặt… được bán bày trên những tấm nylon sơ sài và người bán cũng không mặn mà mời chào.



Ngược lại, hàng hóa Trung Quốc được bày bán khắp chợ nhưng lại không được người dân tin dùng.



Chị Nông Thị Thúy ở thị trấn Lộc Bình cho biết: 'Từ bát, đũa, ấm chén đến nồi, niêu xong chảo bây giờ chúng tôi chỉ dùng hàng của Việt Nam sản xuất thôi. Hình thức có thể không đẹp bằng hàng Trung Quốc nhưng chất lượng tốt hơn, dùng bền hơn và đặc biệt là không lo có hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe.'



Không chỉ các phiên chợ quê mới “khát” hàng Việt, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay tại thành phố Lạng Sơn, số cửa hàng bán đồ gia dụng, quần áo của Việt Nam cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các cửa hàng này đều rất đắt khách và luôn có vị trí đẹp trên các tuyến phố chính.



Theo như lời anh Hoàng Văn Khanh ở thành phố Lạng Sơn: 'Bây giờ ăn thì phải dùng đồ Bát Tràng, đũa tre vót, nằm chiếu trúc Cao Bằng và mặc quần áo Việt Tiến thì mới gọi là sang.”



Điều đó được minh chứng rõ hơn khi chúng tôi trực tiếp chứng kiến cảnh bán hàng của anh Trần Văn Hào tại chợ xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.



Từ trung tâm huyện vào tới chợ gần 30 cây số, đường đi khó khăn nhưng bù lại, với chiếc xe tải hai tấn 'lặc lè' hàng hóa từ rổ rá, xong nồi, cốc chén, bát đĩa đến chăn, gối… 100% là hàng Việt Nam bán hết veo chỉ chưa đầy ba tiếng đồng hồ.



Vừa tranh thủ gấp tấm bạt bày hàng, anh Hào cho biết: 'Vợ chồng tôi đi bán hàng chợ phiên đã dược 4 năm nay. Cứ xem lịch, nơi nào có phiên chợ là tôi đến, hàng hóa đủ cả nhưng tất cả đều lấy từ dưới xuôi, bát đĩa thì Bát Tràng, Hải Dương; đồ nhựa thì Nam Định, Thái Bình; nồi niêu, xong chảo thì Phú Thọ… Tuy đi lại xa xôi vất vả, nhưng mỗi phiên chợ như thế này cũng bán được một xe hàng; trừ chi phí đi cũng lãi khoảng một, hai triệu đồng.'



Trong khi nhu cầu hàng Việt của người dân Xứ Lạng luôn trong tình trạng “không có để dùng” thì các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng mới chỉ dừng lại ở mức mỗi năm mở một vài buổi đưa hàng Việt về nông thôn theo hình thức hội chợ tại các trung tâm thị trấn.



Còn việc làm sao để người dân có hàng Việt sử dụng thường xuyên thì vẫn còn phải chờ như lời nói của một vị lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn: 'Mấy năm qua, các ngành, các cấp của tỉnh đã và đang nỗ lực để đưa hàng Việt đến tay bà con khu vực nông thôn. Điều này đã được kiểm chứng qua nhiều 'phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn' được tổ chức tại một số huyện. Tuy vậy, việc đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng khó khăn không phải là chuyện dễ dàng, bởi lẽ mạng lưới phân phối hàng Việt tại khu vực này rất mỏng và yếu. Người tiêu dùng cũng quen với việc sử dụng hàng Trung Quốc và các doanh nghiệp chưa sẵn sàng bám trụ ở khu vực này.'/.






Theo vietnamplus.vn