Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội ký cam kết không tiêu thụ hàng lậu tại chợ Đồng Xuân (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


'Hàng lậu không thể từ trên trời rơi xuống, mà có tuyến đường đi cụ thể và có đường dây ổ nhóm hoạt động. Muốn ngăn chặn có hiệu quả thì trước tiên phải có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, ngăn chặn từ biên giới.'



Đó là ý kiến của ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tại Hội nghị giao ban triển khai công tác 'Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2014' do Ban chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận thành phố Hà Nội (Ban 389 Hà Nội) tổ chức chiều 10/9.



Dẫn bức tranh về buôn lậu thời gian qua trên địa bàn thủ đô, ông Nguyễn Công San cho biết, hàng lậu có tuyến đường đi cụ thể, từ biên giới, đường hàng không, đường biển rồi tập kết tại các kho bãi.



Phương thức thủ đoạn cũng không có gì mới, chủ yếu dùng hóa đơn quay vòng để buôn hàng lậu. Tuy nhiên, vẫn khó xử lý triệt để vì chỉ một lực lượng hoặc một địa phương làm thì không giải quyết được.



'Có một chứng từ nhưng dùng chung cho nhiều xe đi các địa bàn khác nhau, nếu không có sự phối hợp của Trung ương và các địa phương thì không thể chống được buôn lậu,' ông San nói.



Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cũng chỉ ra những bất cập của việc chống hàng lậu hiện nay. Minh họa cho ý kiến này ông Ngọc cho hay, nếu kiểm tra bất kỳ cửa hàng nào cũng thấy hóa đơn chứng từ, nhưng khớp hay không thì việc điều tra rất mất thời gian và khó.



'Tất cả hàng hóa đều tập trung ở kho, bến bãi, nhưng các lực lượng mới làm được một số điểm. Do vậy, để ngăn hàng lậu trung chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh cần phải làm tốt công tác địa bàn,' ông Ngọc nói.



Báo cáo công tác Chống buôn lậu 8 tháng đầu năm 2014 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội cũng cho thấy, tình hình buôn lậu trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra rất phức tạp. Hiện vẫn tồn tại nhiều đường dây, ổ nhóm cấu kết chặt chẽ từ biên giới và trong nội địa để làm ăn phi pháp.



Từ thực tế trên, để đấu tranh có hiệu quả các hành vi buôn lậu, ông Nguyễn Công San đề xuất, cần có quy chế giám sát chặt chẽ cán bộ địa bàn, đồng thời có sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng nhằm chia sẻ thông tin.



Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Phòng chống buôn lậu quốc gia cho biết, để đẩy lùi buôn lậu, thời gian tới Văn phòng Ban chỉ đạo sẽ đi vi hành, không báo trước, nhằm kiểm tra đột xuất các địa phương trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.



'Có đầy đủ ban bệ, đủ bộ máy thì việc đấu tranh chống buôn lậu phải có hiệu quả. Ban chỉ đạo chống buôn lậu Trung ương sẽ yêu cầu Hải quan cung cấp đầy đủ hồ sơ các đối tượng tình nghi, các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm để xử lý tận gốc,' ông Trần Hùng nói.



Trước đó, tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tổ chức sáng 14/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Trưởng ban chỉ đạo 389 Trung ương) đã nêu rõ, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn hệ thống chính trị và toàn quân nên cần rà soát, kiến nghị sửa đổi chính sách, thể chế, bộ máy nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở chính sách trong công tác chống buôn lậu.



Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần kiểm tra và xử lý nghiêm minh những cán bộ, chiến sỹ tiếp tay, dung túng, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.



<blockquote>
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2014, lực lượng chống buôn lậu và gian lận thành phố Hà Nội đã kiểm tra 27.061 vụ; trong đó xử lý: 10.609 vụ; khởi tố hình sự 31 vụ đối với 34 bị can. Tổng số tiền phạt hành chính, thu ngân sách, tịch thu hàng hóa: 1.292,5 tỷ đồng đạt 110% so với cùng kỳ năm 2013.
</blockquote>



Theo vietnamplus.vn