Đất hiếm chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản tại cảng Lianyungang, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 5/9/2010. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Theo Cơ quan hải quan Trung Quốc (GAC), các doanh nghiệp nước này đã xuất khẩu 2.353 tấn đất hiếm trong tháng Tám vừa qua, tăng gần 31% so với tháng Bảy.



Trong khi đó, lượng đất hiếm xuất khẩu trong tháng 6/2014 chỉ là 1.556 tấn, mức thấp nhất tính từ đầu năm tới nay.



Trong tám tháng đầu năm năm nay, tổng khối lượng đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 18.252 tấn. Tuy nhiên, do giá đất hiếm trên thị trường giảm nên kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu này trong thời gian trên giảm 7,9%.



Sở hữu 23% tổng trữ lượng đất hiếm của thế giới, nhưng Trung Quốc hiện đáp ứng 90% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Với lý do nhằm giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ tài nguyên, Trung Quốc đã ấn định mức trần sản lượng, hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm và các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã lên án việc hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh - việc góp phần giúp các công ty Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác.



Đầu tháng Tám vừa qua, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giữ nguyên phán quyết khẳng định Trung Quốc vi phạm các quy định thương mại toàn cầu bằng việc hạn chế kim ngạch xuất khẩu đất hiếm - loại nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, viễn thông, quốc phòng và các sản phẩm công nghệ cao khác.



Ban phúc thẩm của WTO đã bác đơn kháng cáo của Bắc Kinh vì không chứng minh được rằng các hạn ngạch xuất khẩu mà Trung Quốc áp dụng đối với đất hiếm, cũng như vonfram và molypden là chính đáng. Ban phúc thẩm kêu gọi Trung Quốc cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế./.






Theo vietnamplus.vn