Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Dự án 'Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may thành phố đến năm 2020, định hướng đến 2030'.



Quy hoạch nêu rõ định hướng phát triển từ nay đến 2030, ngành dệt may của thành phố trở thành ngành công nghiệp quan trọng, tiếp tục đóng góp ổn định giá trị xuất khẩu; phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên liệu dệt may, giảm nhập siêu, nâng cao giá trị gia tăng của ngành.



Cụ thể, đến năm 2015, giá trị sản xuất hàng dệt may đạt 37.850 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010. Đến năm 2020, giá trị sản xuất hàng dệt may đạt 47.670 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015 và đến năm 2025 giá trị sản xuất hàng dệt may đạt 63.726 tỷ đồng, tăng gấp 1,33 lần so với năm 2020.



Quy hoạch cũng xác định, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp dệt may đạt 8,5%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 5%/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt 4,5%.



Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đang hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh cho ngành dệt may, tập trung vào các sản phẩm thân thiện với môi trường với mẫu mã, dịch vụ, chất lượng và giá cả cạnh tranh.



Giai đoạn này thành phố tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng phát triển mạnh thương hiệu, nâng chất lượng sản phẩm, kêu gọi thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ sử dụng ít lao động. Thành phố khuyến khích dịch chuyển nhà máy may lớn ra các huyện và tỉnh lân cận, giảm áp lực về lao động. Sản lượng sản phẩm may tăng thêm 53 triệu sản phẩm, tương đương 17 nhà máy may, công suất 3 triệu sản phẩm/năm/nhà máy.



Giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng xơ sợi của thành phố khoảng 200.000 tấn/năm, sản lượng tăng thêm so với năm 2015 là 50.000 tấn. Năng lực tăng thêm của sản xuất vải so với năm 2015 là 100 triệu mét, đến năm 2020 là 600 triệu mét; sản lượng may tăng thêm so với năm 2015 là 50 triệu sản phẩm.



Giai đoạn 2021-2025, so với năm 2020 tăng thêm 7 nhà máy sợi, công suất 7.000 tấn/năm/nhà máy; 4 nhà máy dệt nhuộm công suất 25 triệu mét vải/năm/nhà máy; 17 nhà máy may công suất 3 triệu sản phẩm/năm/nhà máy.



Thành phố sẽ đầu tư các nhà máy chủ yếu ở khu cụm công nghiệp, các tỉnh có lợi thế về lao động. Các công ty 'mẹ' ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ điều hành về mẫu mã, quản lý xuất nhập khẩu...



Để thực hiện quy hoạch được phê duyệt, thành phố dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn đến năm 2015 cho ngành dệt may Thành phố Hồ Chí Minh là 10.299 tỷ đồng, trong đó đầu tư tại địa bàn thành phố là 2.750 tỷ đồng.



Tổng vốn đầu tư giai đoạn đến năm 2020 là 12.560 tỷ đồng, trong đó đầu tư tại địa bàn thành phố là 5.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư đến 2025 là 9.990 tỷ đồng, trong đó đầu tư tại địa bàn thành phố là 1.000 tỷ đồng; đến năm 2025 bình quân mỗi năm cần hơn 2.500 tỷ đồng đầu tư cho ngành dệt may.



Cơ cấu vốn đầu tư dự kiến sẽ có 50% là của doanh nghiệp trong nước, 30% vốn đầu tư nước ngoài và 20% là vốn vay thương mại./.




Theo vietnamplus.vn