Lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra bắt giữ hàng lậu tại chợ Ninh Hiệp (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


'Đi ra bất cứ địa bàn nào của Hà Nội cũng có thể thấy hàng giả, hàng lậu, hàng nhái đó là do hình phạt chưa nghiêm, thậm chí một số chính quyền cấp quận, huyện, phường xã vẫn còn làm ngơ trước tình trạng này nên kết quả xử lý còn hạn chế.'



Đó là ý kiến của Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tổ chức sáng 14/8, tại Hà Nội.



Theo Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Hà Nội vừa là điểm tập kết nhưng lại vừa là nơi trung chuyển hàng lậu đi các tỉnh thành khác. Việc kiểm tra hàng lậu hết sức khó khăn do hàng hóa được sản xuất từ nước ngoài và hợp pháp hóa khi đưa vào nội địa tiêu thụ.



Đơn cử, năm 2013, Tổng cục phòng chống tội phạm phối hợp với Công an Hà Nội kiểm tra 3 cửa hàng bày bán máy sinh hóa tại Hà Nội, đã phát hiện 46 máy cũ nhưng được mông má từ bên Pháp đem về Việt Nam tiêu thụ với giá trị chênh lệch lên đến hàng tỷ đồng.



Trong khi đó, chế tài xử phạt các đối tượng buôn lậu vẫn chưa nghiêm. Thống kê của Tổng cục phòng chống tội phạm cho thấy, trong năm 2013 các cơ quan chức năng mới chỉ đưa ra khởi tố được khoảng 1% số vụ vi phạm, còn trên 98% vụ việc chỉ xử phạt hành chính. Điều đó dẫn tới việc các đối tượng buôn lậu 'nhờn luật.'



'Một công ty bán thiết bị y tế cũ 7 năm liền mới bị phát hiện, trong khi người dân biết nhưng chính quyền không biết thì phải xem lại trách nhiệm của địa phương để xảy ra các tụ điểm buôn lậu,' Trung tương Nguyễn Tiến Lực nêu ý kiến.



Đồng tình với ý kiến của Bộ Công an, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng cho rằng, để đấu tranh hiệu quả hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, cần sự vào cuộc của toàn dân và bộ máy chính trị tại cơ sở.



Ông Cẩn đề nghị nếu bắt giữ hàng lậu cần điều tra sâu xem việc thẩm lậu theo đường nào (tiểu ngạch hay gian lận) để có biện pháp chấn chỉnh và kỷ luật cán bộ tiếp tay cho hoạt động này.



Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội) cho thấy, 7 tháng đầu năm, lực lượng liên ngành thành phố đã kiểm tra 19.960 vụ, trong đó đã xử lý 9.414 vụ, chuyển cơ quan điều tra khởi tố hình sự 31 vụ đối với 34 bị can. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại vẫn diễn biến hết sức phức tạp.



Đáng chú ý, đã có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trên biên giới và trong nội địa, sử dụng chứng từ quay vòng để vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu cũng như gian lận trong kê khai nhập khẩu hàng hoá (kê khai hàng hoá nhập khẩu sai về mã số đóng thuế, giá trị và số lượng) để qua mặt các cơ quan chức năng.



Thậm chí, tại những điểm kinh doanh ở các trung tâm thương mại, khu vực kinh doanh lớn, các hộ kinh doanh đóng thuế ở hình thức thuế khoán, tiêu thụ hàng nhập lậu qua mua gom và bán hàng không xuất hoá đơn gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý về nguồn gốc hàng hóa.



Nổi cộm nhất vẫn là sự gia tăng của hàng chất lượng thấp từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ, tên thương mại, nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam như: đồ vệ sinh, khóa, bóng đèn, xăm lốp... làm ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.



Trước thực tế trên, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để đấu tranh hiệu quả tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, thành phố Hà Nội cần triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó lãnh đạo Thành phố cần chỉ đạo các cơ chức năng điều tra cơ bản các hộ kinh doanh và mặt hàng buôn lậu qua đó có thể tập trung lực lượng đánh mạnh vào các đường dây ổ nhóm buôn lậu lớn.



Phó Thủ tướng cũng lưu ý Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cần rà soát các văn bản pháp luật để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, qua đó chống buôn lậu có hiệu quả. Đồng thời phân công rõ trách nhiệm từng lực lượng tham gia, không để tình trạng cán bộ bao che dung túng hoạt động buôn lậu.



'Các lực lượng liên ngành gồm công an, hải quan, thuế vụ, cảnh sát biển, biên phòng, quản lý thị trường là những lực lượng chủ công cần phối hợp chặt chẽ để phòng, chống có hiệu quả buôn lậu. Kiên quyết không để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc, bao che tội phạm đối với vấn nạn này,' Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.



<blockquote>
Ngày 19/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban 389) do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban.




Để đảm bảo việc thực hiện hoạt động có hiệu quả, ngày 25/3/2014, Ban Chỉ đạo quốc gia đã ban hành quyết định quy định quy chế hoạt động của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 nhằm tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả.



Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương là Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên với đặc thù của Hà Nội, cơ quan thường trực được giao cho Chi cục Quản lý thị trường./.
</blockquote>


Theo vietnamplus.vn