Ảnh minh họa. (Nguồn: mirror.co.uk)


Ngày 15/7, các nghị sỹ Nghị viện châu Âu (EP) bàn luận về các cuộc đàm phán (đang diễn ra) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ liên quan đến một thỏa thuận thương mại tự do mà hứa hẹn sẽ dỡ bỏ rào cản thương mại giữa hai nền kinh tế lớn chi phối trên 1/3 tổng thương mại toàn cầu.



Trong EP, những người ủng hộ Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cho rằng hiệp định này sẽ giúp tạo ra việc làm mới đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.



Daniel Caspary, điều phối viên của Ủy ban thương mại quốc tế, nói rằng TTIP có thể bơm thêm 119 tỷ euro (161 tỷ USD) vào kinh tế châu Âu và giúp tạo ra hàng ngàn việc làm.



Tuy nhiên, số những người không ủng hộ TTIP đang có chiều hướng gia tăng, với lý do rằng thỏa thuận này sẽ làm tăng quyền lực của công ty và khiến cho chính phủ các nước gặp khó khăn hơn trong việc điều tiết thị trường.



Một trở ngại chính nằm ở cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư (ISDS). Cơ chế này sẽ trao quyền cho các công ty Mỹ đầu tư ở châu Âu bỏ qua các tòa án ở đây và kiện thẳng chính phủ các nước ở 'lục địa già' lên tòa án quốc tế, trong trường hợp phía các công ty Mỹ nhận thấy rằng luật trong các lĩnh vực như y tế, bảo vệ môi trường và xã hội xâm phạm quyền làm ăn, kinh doanh của họ. Ngược lại, các công ty EU cũng có quyền tương tự ở Mỹ.



Các cuộc đàm phán về ISDS hiện tạm hoãn, nhưng có thể sẽ được nối lại sau mùa Hè này.



Một số hình thức tạo lập khu vực thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương được đề xuất từ thập kỷ 1990 và sau đó là vào năm 2006 theo ý tưởng của Thủ tướng Đức Angela Merkel sau khi vòng đàm phán thương mại tự do Doha sụp đổ. Tuy nhiên, cơ chế bảo hộ của cả EU và Mỹ có thể vẫn là rào cản đối với bất kỷ thỏa thuận nào trong tương lai./.




Theo vietnamplus.vn