Một góc đảo Phú Quốc. (Nguồn: TTXVN)


Thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, giai đoạn 2010-2013, tỉnh Kiên Giang đã cấp giấy chứng nhận 340 dự án đầu tư phát triển các địa phương vùng ven biển và hải đảo với quy mô gần 20.200 ha, tổng vốn gần 166.500 tỷ đồng.



Trong đó, đảo ngọc Phú Quốc 112 dự án, quy mô 4.850 ha, tổng vốn đầu tư 135.087 tỷ đồng.



Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 183 dự án đi vào hoạt động, trong đó Phú Quốc có 18 dự án đầu tư hoàn thành phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biển của địa phương.



Các dự án tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông-thủy sản, khai thác khoáng sản, đầu tư hạ tầng và dịch vụ du lịch, nước sinh hoạt, điện, đường giao thông…



Việc thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế biển tại Kiên Giang ngày càng mở ra nhiều triển vọng, với nhiều dự án lớn như khu du lịch, vùng nuôi trồng thủy sản, khu Cảng cá Tắc Cậu, Khu công nghiệp Thạnh Lộc và một số dự án lấn biển ở thành phố Rạch Giá và thị xã Hà Tiên.



Phục vụ nhu cầu nước sạch cho nhân dân, Kiên Giang còn đầu tư mở rộng 2 nhà máy nước Rạch Giá và Hà Tiên; xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước Dương Đông (Phú Quốc); dự án nâng cấp hồ nước và hệ thống cấp nước Dương Đông (Phú Quốc) công suất từ 5.000m3/ngày lên 16.500m3 /ngày, dự kiến hoàn thành vào năm 2015.



Kiên Giang còn triển khai các dự án đầu tư phát triển lưới điện phân phối, đường dây trung thế, hạ thế và trạm biến áp, trang bị máy phát điện cho các xã ven biển và hải đảo.



Trong lĩnh vực du lịch, xây dựng, Kiên Giang cũng triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu du lịch như Hòn Trẹm-Chùa Hang, Mũi Nai-Hà Tiên, Cảng Bãi Vòng, Di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, Cảng Rạch Giá, Công viên Văn hóa An Hòa, trùng tu tôn tạo di tích tháp Cù Là, di tích Chùa Phật Lớn…



Tuy nhiên, theo ông Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển của Kiên Giang rất lớn, nhưng trong thời gian qua, tăng trưởng ngành kinh tế này chưa tương xứng, nhiều dự án đầu tư chậm triển khai.



Nguyên nhân của việc nhiều dự án triển khai chậm là do công tác lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều vướng mắc nhưng chậm khắc phục, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư vùng ven biển và hải đảo.



Việc giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án chậm, nhiều dự án được cấp phép chậm triển khai thực hiện. Kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, nước, cơ sở vật chất phục vụ du lịch.



Theo ông Lê Khắc Ghi, trước mắt, tỉnh Kiên Giang tập trung nâng cao năng lực quản lý dự án, cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế biển.



Trong đó, Kiên Giang chú trọng các dự án phát triển giao thông, thủy lợi, cảng biển, khu trú bão, hệ thống điện, nước sạch, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ-du lịch, công nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.



Ngoài ra, Kiên Giang tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các dự án chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên biển, đảo, bảo vệ môi trường sinh thái biển để phát triển bền vững kinh tế biển./.




Theo vietnamplus.vn