Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)


Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 15/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).



Làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh




Thảo luận về tên gọi của dự án Luật, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự án luật theo Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 của Quốc hội là “Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.”



Tờ trình số 156/TTr-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ đề nghị đổi tên dự án luật là “Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.”



Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế đề xuất tên gọi của dự án luật là “Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp” để bao quát nội hàm dự án luật. Tên gọi này bám sát theo tên gọi tại Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 của Quốc hội, đồng thời làm rõ Nhà nước không trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh mà phải thông qua doanh nghiệp. Ngoài ra, tên gọi này cũng bao hàm cả việc đầu tư vốn nhà nước vào các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội với mục tiêu phi lợi nhuận.



Tuy nhiên, qua thảo luận cũng có ý kiến cho rằng cụm từ “tại doanh nghiệp” trong tên gọi theo đề xuất của Ủy ban Kinh tế đã làm bó buộc, hạn chế phạm vi cần quản lý điều chỉnh trong việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.



Đánh giá dự án luật là bước đi quan trọng đưa quản lý vốn nhà nước theo một trật tự và tăng tính hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cần làm rõ nhà nước còn đầu tư nguồn vốn của mình vào sản xuất kinh doanh nào khác ngoài doanh nghiệp hay không và làm rõ nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước là vốn gì; điều này có liên quan mật thiết tới phạm vi điều chỉnh của dự án luật, có chồng chéo với một số luật, dự án luật có liên quan như Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp (sửa đổi) hay không.



Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, vốn đầu tư nhà nước chủ yếu vào doanh nghiệp nhưng ngoài ra nhà nước còn có vốn khác nữa. Cụ thể tại Khoản 4 Điều 3 đã nêu rõ vốn gồm vốn đầu tư vào doanh nghiệp và vốn khác gồm tín dụng do nhà nước bảo lãnh và vốn nhà nước đầu tư phát triển. Như vậy hai khoản vốn này có nằm trong vốn đầu tư vào doanh nghiệp hay không cần được thảo luận, làm rõ thêm, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị.



Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, dự án Luật này chỉ quy định các nội dung về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đối với các quy định đầu tư vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội... được quy định trong Luật đầu tư công; đối với quy định về quản trị doanh nghiệp được quy định ở dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này không chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan.



Về mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay, theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.



Đánh giá việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán thành với đề xuất của Ủy ban Kinh tế quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo Luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách để các doanh nghiệp hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.



Tuy nhiên có ý khác không tán thành thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đề nghị vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.



Quy định chặt chẽ về cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản



Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), thảo luận về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (Điều 56), nhiều ý kiến tán thành cần có quy định này trong dự án luật.



Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị vấn đề môi giới bất động sản cần phải được quản lý chặt chẽ. Đại biểu Phan Trung Lý cho rằng hiện nay “cò đất, nhà” thì nhiều nhưng người môi giới ít. Dự án luật cần quy định chặt chẽ nội dung này nhằm đưa hoạt động môi giới bất động sản vào trật tự. Việc quy định chặt chẽ thể hiện qua việc quy định cụ thể về điều kiện để trở thành môi giới, ai sẽ là người tổ chức sát hạch...



Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá việc quy định cụ thể, chặt chẽ về môi giới bất động sản trong dự án Luật sẽ giúp người mua và người bán đi đến giá trị thực của bất động sản.



Đại biểu Phan Trung Lý cho rằng để khách quan đề nghị giao Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên ý kiến khác cho rằng vì người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản sẽ được quyền hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc nên việc giao Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ này sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Quy định này cũng phù hợp với các pháp luật khác hiện nay của Việt Nam, cụ thể là chứng chỉ hành nghề chứng khoán theo pháp luật về chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp; chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp cấp; Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.



Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ việc quy định nội dung về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trong dự án Luật là việc cần thiết. Bộ trưởng cho biết qua tìm hiểu, các nước quản lý rất chặt vấn đề này vì liên quan trực tiếp quyền lợi khách hàng và người bán.



Bộ trưởng dẫn chứng tại Australia, người môi giới bất động sản bắt buộc là luật sư, có kinh nghiệm, uy tín và giấy hành nghề. Họ sẽ là người làm toàn bộ thủ tục, đảm bảo yêu cầu, đảm bảo lợi ích người mua và người bán.



Thảo luận về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (Điều 8), một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở để quy định vốn pháp định trong dự án luật. Ủy ban Kinh tế có quan điểm kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, khả năng quản lý, tạo lập phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, do đó cần phải quy định mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh này.



Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng như dự thảo luật, tuy nhiên, cần phải khảo sát, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thị trường thực tế hiện nay khi áp dụng quy định này./.




Theo vietnamplus.vn