Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)


Tổng Vụ trưởng Dầu-Khí Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia Naryanto Wagimin cho biết việc trì hoãn nhiều dự án khai thác khí đốt trong khi nhu cầu ngày một tăng có thể khiến Indonesia - từng là thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - trở thành nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ do sản lượng ngày một giảm không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.



Ông Naryanto Wagimin đã cảnh báo rằng quốc đảo này sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2020, nếu không cải thiện được đáng kể nguồn cung những năm tới.



Phát biểu bên lề Diễn đàn Năng lượng Indonesia 2014 mới đây tại Jakarta, ông Naryanto Wagimin nhấn mạnh rằng mặc dù dự trữ khí đốt đã được kiểm chứng của Indonesia ước đạt 104.000 tỷ phút khối (1 phút khối = 0,028m3) và dự trữ tiềm năng khoảng 48.000 tỷ phút khối - đứng thứ 13 thế giới về trữ lượng khí tự nhiên và đứng thứ hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau Trung Quốc, song với mức tăng trung bình nhu cầu khí đốt 4%/năm, thiếu hụt khí đốt của Indonesia dự kiến sẽ đạt 7.600 triệu phút khối tiêu chuẩn (mmscfd) mỗi ngày vào năm 2028.



Theo số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý Dầu-Khí quốc gia Indonesia (SKK Migas), năm ngoái, nước này đạt sản lượng khí đốt 6.869 mmscfd, trong đó 52% được dành cho xuất khẩu.



Trước nguy cơ nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng, tập đoàn năng lượng quốc doanh Pertamina lớn nhất của Indonesia đã ký một thỏa thuận với doanh nghiệp Cheniere Energy Inc (Mỹ), để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và mới đây đã mua cổ phần trong một dự án khí đá phiến ở Mỹ.



Trong một động thái liên quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia (Bappenas), Dedy Supriadi Priatna cho hay sự phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt trong nước của nước này còn chậm, khi số thành phố có cơ sở hạ tầng khí đốt gia đình chỉ tăng được từ hai thành phố năm 2009 lên 55 thành phố hiện nay, và con số này dự kiến sẽ đạt 100 thành phố trong năm tới.



Ông Dedy Supriadi Priatna cho biết thêm rằng trong giai đoạn 2015-2019, theo kế hoạch phát triển trung hạn (RJPMN), Indonesia sẽ tăng cường đẩy mạnh chương trình phát triển cơ sơ hạ tầng khí đốt, và Bappenas đã đề nghị chính phủ dành từ 56-75% sản lượng khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước vào năm 2019./.


Theo vietnamplus.vn