Khách hàng chọn mua sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuối tại hệ thống siêu thị Coop mart. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)


Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết sau hơn một tháng áp dụng quy định mức giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các cơ quan chức năng đã nhận diện được một số vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.



Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, để xác định một hành vi có phải là lách luật hay là vi phạm pháp luật cần phải xem xét trên nhiều góc độ.



Theo đó, hiện tượng doanh nghiệp sản xuất sữa thay đổi nhãn mác sản phẩm, giảm trọng lượng đóng gói, thay đổi thành phần công thức sữa mà không xác định lại giá trần cho phù hợp trên cơ sở đó đăng ký giá bán là vi phạm pháp luật và nếu kiểm tra phát hiện, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản, xử lý đối với hành vi ấy.



Cơ sở của nhận định đó là tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014, công văn số 6544/BTC-QLG ngày 20/5/2014 đã quy định các doanh nghiệp có bất kỳ sự thay đổi nào về mẫu mã, trọng lượng, thành phần công thức sữa đều phải xác định giá trần và thực hiện đăng ký giá.



Chính các quy định pháp lý bao quát được các trường hợp như trên đã là cơ sở giúp cơ quan chức năng quản lý tốt giá sữa, cơ sở để ngăn chặn các doanh nghiệp “lách luật” dưới các hình thức ấy, ông Nghĩa cho biết.



Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng để có thể thực hiện tốt công tác bình ổn giá sữa thì cần phải có phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), quản lý thị trường (Bộ Công Thương), và giá (Bộ Tài chính).



Bên cạnh đó, nếu các doanh nghiệp tìm mọi cách “lách luật” thì có thể sẽ phản tác dụng, “gậy ông đập lưng ông,” mất đi một bộ phận khách hàng vì người tiêu dùng sẽ tẩy chay khi có sự nhập nhèm thông tin.



“Do đó, các doanh nghiệp cần thấy rõ lợi hại của việc làm ấy của mình để tuân thủ các quy định không dẫn đến vi phạm pháp luật, một khi có ý định 'lách luật',” ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.



Trong tháng Sáu, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các địa phương thực hiện biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, có văn bản hướng dẫn các Sở Tài chính về triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, công khai bảng giá bán buôn đã kê khai đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC để cơ quan, tổ chức tham khảo khi xác định giá bán buôn tối đa cho các sản phẩm còn lại, thông báo mức giá bán buôn tối đa và giá đăng ký đối với 141 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của 4/6 công ty đăng ký giá tại Bộ Tài chính.



Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức ba đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình và kịp thời giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại ba địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ và tại một số địa phương miền Trung.



Đến nay, nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Cà Mau, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bình Dương... đã ban hành thông báo về giá tối đa và giá đăng ký đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.



Bộ Tài chính cho biết, giá bán sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cơ bản thấp hơn giá trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Kết quả này cho thấy các biện pháp bình ổn giá đã đạt được hiệu quả bước đầu tích cực./.


Theo vietnamplus.vn