Xây dựng nhà máy LG có vốn đầu tư của Hàn Quốc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)


Sáng 26/6, tại Hà Nội, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo “Ưu đãi đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp: Nghiên cứu từ điều tra công nghiệp Việt Nam năm 2011.'



Ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO cho biết qua điều tra gần 1.500 doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài, nhìn chung các doanh nghiệp đều mong muốn nhận được ưu đãi phù hợp và kịp thời từ phía Chính phủ cũng như chính quyền địa phương.



Những hỗ trợ, ưu đãi đã được quy định trong các văn bản, luật và chính sách cũng như được thực thi bởi hệ thống cơ quan chức năng trên tinh thần nhất quán.



Hầu hết các doanh nghiệp mong muốn nhận được ưu đãi thông qua các loại thuế, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tài chính, cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay và thực hiện vay vốn…



Khi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận được ưu đãi đều hoạt động tốt hơn; đồng thời có xu hướng sử dụng nhiều lao động, có năng suất lao động cao hơn, vốn đầu tư lớn hơn so với doanh nghiệp trong nước.



Bên cạnh đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển theo hướng cạnh tranh hơn, nhờ vậy sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.



Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng đánh giá sự ổn định về tình hình chính trị, môi trường đầu tư-kinh doanh được cải thiện ở Việt Nam là động lực quan trọng hàng đầu để họ quyết định triển khai một dự án đầu tư cụ thể.



Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đặng Xuân Quang, cho rằng để tăng cường thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, về lâu dài các cơ quan chức năng cần có sự đúc rút kinh nghiệm nhằm tìm ra tiếng nói đồng thuận giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp; từ đó đưa ra những ưu đãi phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như hoàn cảnh thực tiễn ở Việt Nam.



Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ chú trọng tăng cường thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất trực tiếp./.


Theo vietnamplus.vn