Nông dân huyện Thanh Hà thu hoạch vải thiều. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)


Tại Thanh Hà (Hải Dương), vụ vải sớm đã bắt đầu được vài ngày. Nông dân phấn khởi không chỉ vì vải sớm được giá mà còn bởi năm nay việc tiêu thụ vải có thêm nhiều thuận lợi.



Vải sớm ước đạt 10.000 tấn



Cuối tháng Năm, tại Thanh Bính - một trong sáu xã thuộc vùng Hà Đông được quy hoạch làm vải sớm của Thanh Hà, không khí thu hoạch vải sớm bắt đầu nhộn nhịp. Toàn xã có 240ha vải các loại, trong đó chủ yếu là giống vải u trứng, u hồng, tàu lai thuộc trà vải sớm đang trong những ngày thu hoạch đầu vụ, chỉ khoảng 15% diện tích là vải thiều.



Theo ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, sản lượng vải sớm năm nay của toàn xã ước đạt 1.500 tấn, tương đương vụ trước, được xem là vùng vải sớm trọng điểm, năng suất của vải sớm Thanh Hà năm nay.



Nông dân Thanh Bính đang rất hồ hởi vì giá vải tại thời điểm này đang cao gấp đôi thời điểm đầu vụ vải sớm của năm trước. “Năm ngoái, vải sớm chỉ có giá khoảng 14.000-15.000 đồng/kg nhưng hiện nay, bà con đang bán tại vườn với giá trung bình 28.000 đồng/kg, có nơi 31.000 đồng/kg,” ông Đạo cho biết.



Gia đình ông Phạm Công Lâm tại thôn Thanh Lanh (xã Thanh Bính) có 7 sào vải, trong đó 5 sào trồng vải u hồng, còn lại là giống vải u trứng, vải thiều. Ông ước tính năm nay sẽ thu được khoảng 2,1 tấn quả cả hai trà vải sớm và vải thiều. Những ngày qua, gia đình ông đã bắt đầu cân bán tại vườn với giá trung bình 28.000 đồng/kg.



Gia đình ông Lê Văn Đồng tại thôn Phúc Giới (thôn có diện tích vải nhiều nhất xã) có 30 gốc vải, ước tính năm nay thu hoạch ít nhất 2 tấn quả. Gia đình ông bắt đầu bán vải sớm từ ngày 30/5 với giá 31.000 đồng/kg.



Mặc dù năm nay cây vải gặp điều kiện thời tiết bất thuận nhất là thời điểm cây ra hoa gặp mưa nhiều, thiếu nắng, khiến tỷ lệ đậu quả kém nhưng nhờ có kinh nghiệm trồng lâu năm, người dân Thanh Bính vẫn khắc phục kịp thời.



So với các xã khác, vải Thanh Bính có năng suất cao vượt trội với khoảng 4-6 tạ quả/sào. Có những cây vải sai quả ước khoảng 1 tạ quả.



Trong tổng số gần 4.000ha vải của toàn huyện Thanh Hà, có khoảng 1.000ha vải sớm gồm các giống: u trứng, u hồng, tàu lai. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Hà cho biết năm nay, tỷ lệ ra hoa ở cả hai trà vải sớm và vải thiều (chính vụ) đạt trên 90% nhưng tỷ lệ đậu quả ở trà vải sớm chỉ đạt 45%.



Ước tính vụ vải sớm cho sản lượng khoảng 10.000 tấn. Cây vải thiều sẽ bắt đầu cho thu hoạch từ giữa tháng Sáu, muộn ít nhất 10 ngày so với năm ngoái, hứa hẹn sản lượng cao hơn bởi tỷ lệ ra hoa của vải thiều năm nay trên 70%.



Nhiều thuận lợi trong khâu tiêu thụ




Theo người trồng vải, vụ vải sớm năm nay bắt đầu thu hoạch từ khoảng 28/5 đến 10/6. Hàng ngày, nườm nượp xe ôtô lớn nhỏ các tỉnh về thu mua. Theo ông Phạm Khắc Dũng, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thanh Hà, dọc tuyến đường tỉnh 390 hiện có khoảng 20 trạm cân tập trung các xã như Hợp Đức, Thanh Bính, Thanh Thủy, Trường Thành.



Người dân Thanh Bính ước tính trung bình một ngày khoảng 7 xe container về bốc hàng đi các nơi, mỗi xe có trọng tải từ 20-30 tấn. Như kinh nghiệm nhiều năm, khoảng vài ngày tới lượng xe về sẽ nhiều hơn, cao điểm lúc vải thu hoạch rộ có thể khoảng 15 xe container về ăn hàng.



Ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà cho biết năm nay, bên cạnh việc giao thông thuận lợi hơn nhờ có thêm đường mới nối Ngã Ba Hàng về Trung tâm thị trấn, huyện cũng quan tâm đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng hỗ trợ tiêu thụ vải cho bà con nông dân.



Với sự hỗ trợ thêm kinh phí từ tỉnh, huyện Thanh Hà đã đầu tư xây thêm một bãi đỗ xe miễn phí tại xã Thanh Xá với quy mô 4.000-5.000 m2 cho các xe ôtô thương lái về gom hàng với quy mô lớn hơn hẳn so với hai bãi đỗ xe xây dựng trước đây. Hiện toàn huyện có ba điểm đỗ xe phân bố tại xã Thanh Bính, Thanh Thủy và Thanh Xá. Huyện giao các xã quản lý những bãi đỗ xe này và các lực lượng liên ngành đôn đốc người dân và các chủ hàng đảm bảo không gây ách tắc giao thông tại các điểm cân, thu mua.



“Chúng tôi đang đề xuất xin chủ trương của huyện, nếu được sẽ mời Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về làm việc kiểm tra các điểm cân này để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân khi bán hàng cho thương lái”, ông Phạm Khắc Dũng cho biết.



Để thúc đẩy tiêu thụ vải, địa phương cũng đã triển khai đa dạng hình thức quảng bá thương hiệu vải Thanh Hà, đặc biệt là vải thiều. Đầu tháng Năm, huyện phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh kết nối với các Trung tâm Xúc tiến thương mại nhiều tỉnh thành, gửi thư mời tới các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.



Năm nay, huyện đã lập riêng trang web về vải Thanh Hà, giới thiệu cho người tiêu dùng và bạn hàng gần xa biết đến cây đặc sản của địa phương, qua đó thông tin về công tác phòng trừ sâu bệnh, sản xuất vải theo VietGAP, cập nhật giá cả…



Đặc biệt, đầu tháng Sáu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại cho các sản phẩm vải, ổi, na. Đây là một cơ hội tốt để tìm và mở rộng thị trường cho vải Thanh Hà.



Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phạm Đức Tuấn, nhờ có thương hiệu và các biện pháp xúc tiến thương mại, thị trường cho quả vải Thanh Hà năm nay đang rất ổn định, tiến triển thuận lợi, trong đó có thị trường Trung Quốc.



Thông thường, khoảng 80-90% sản lượng vải toàn vụ của Thanh Hà được bán sang Trung Quốc, còn lại tiêu thụ trong nước và xuất sang Đông Âu. Hiện nay ước tính khoảng 60% sản lượng vải sớm được các thương lái thu mua sang Trung Quốc, số còn lại chở vào các tỉnh khu vực phía Nam ./.


Theo vietnamplus.vn