Xếp những bao gạo Thái Lan tại nhà máy ở Bangkok. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Bộ Tài chính Thái Lan ước tính mức thua lỗ từ chương trình trợ giá lúa gạo của nước này ở mức khoảng 500 tỷ baht (khoảng 15 tỷ USD), kể từ khi chương trình được khởi động.



Con số trên cao hơn mức 466 tỷ baht (khoảng hơn 14 tỷ USD) mà Ngân hàng trung ương nước này ước tính.



Truyền thông địa phương dẫn thông tin từ Bộ Tài chính cho biết một tiểu ban, do Tổng thanh tra thuộc Bộ Tài chính đứng đầu, đang giám sát công việc kế toán, kiểm toán các giấy tờ và sổ sách liên quan tới chương trình trợ giá lúa gạo, dựa vào Liên đoàn kế toán chuyên nghiệp Thái Lan (FAP) và một quyết định mới đây của Ủy ban Chính sách Lúa gạo Quốc gia (NRPC).



Song, một thành viên của tiểu ban lưu ý rằng dựa vào văn bản của NRPC, giá gạo chuẩn được tiểu ban trên tính toán thấp hơn so với giá cam kết bảo trợ thực tế hay mức giá do Vụ Ngoại thương thông báo.



Nông dân đã thế chấp thóc gạo trong năm vụ thu hoạch, bắt đầu từ vụ chính 2011-2012 (tháng 10/2011-2/2012) đến vụ chính 2013-2014, để được trợ giá. Chính phủ Thái Lan đã trả 15.000 baht/tấn (khoảng 460 USD/tấn), cao hơn 40-50% so với giá trị trường, cho những nông dân tham gia chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ.



Kể từ tháng 12/2013, chương trình này đã vấp phải nhiều vấn đề như việc không đủ tiền để thanh toán cho nông dân. Chương trình này đã kết thúc vào cuối tháng 2/2014 sau khi không được gia hạn thêm.



Tuy nhiên, theo Bộ Thương mại, Chính phủ Thái Lan vẫn phải trả khoảng 82 tỷ baht (khoảng 2,5 tỷ USD) cho nông dân. Do đó, chính phủ tạm quyền nước này đang phải gấp rút bán gạo trong các kho dự trữ để có tiền trả cho nông dân./.




Theo vietnamplus.vn