Một trạm bán xăng ở Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)


Trong phiên ngày 2/4, tại châu Á, giá dầu tăng nhẹ theo sau số liệu kinh tế toàn cầu lạc quan.



Trên Sàn giao dịch Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 5/2014 tăng 3 cent lên 99,77 USD/thùng giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 4 cent lên 105,66 USD/thùng.



Các chuyên gia phân tích cho biết giá dầu có xu hướng tăng tại các thị trường châu Á trong phiên ngày 2/4, nhờ các báo cáo lạc quan công bố một ngày trước đó về lĩnh vực chế tạo tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.



Trung Quốc thông báo chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức trong tháng Ba tăng nhẹ sau khi chạm mức thấp của tám tháng qua trong tháng Hai.



Trong khi, Markit Economics cho biết PMI của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2014 đứng ở mức 53, con số này thấp hơn so với mức 53,2 của tháng Hai, nhưng mức trung bình của cả quý 1 là 53,4.



Sau đó, Viện Quản lý nguồn cung của Mỹ cũng cho biết chỉ số PMI của nước này đạt 53,7 so với mức 53,2 của tháng trước. PMI trên 50 cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng.



Ric Spooner, chiến lược gia thị trường thuộc CMC Markets tại Sydney, nói rằng các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi báo cáo về dự trữ dầu mỏ hàng tuần của Mỹ được công bố vào cuối ngày 2/4.



Nhiều người dự doán lượng dầu trong các kho này sẽ tăng khoảng 2,5 triệu thùng. Dự trữ dầu của Mỹ tăng lên nghĩa là nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này suy yếu. Điều này sẽ gây sức ép lên giá dầu.



Tuy nhiên, phiên 1/4, giá dầu tại thị trường Mỹ giảm khá mạnh sau số liệu về hoạt động chế tạo của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ (theo số liệu chính thức) đã làm tăng lo ngại về nhịp độ tăng trưởng chậm lại của nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này.



Chốt phiên, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 5/2014 đứng ở mức 99,74 USD/thùng, giảm 1,84 USD (1,8%) so với mức đóng phiên ngày 31/3. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 2,14 USD (gần 2%) xuống còn 105,62 USD/thùng.



Chỉ số PMI chính thức ở khu vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng Ba đã nhích nhẹ lên 50,3 từ mức thấp của 8 tháng qua là 50,2 trong tháng Hai. Tuy nhiên, chỉ số PMI của Trung Quốc do HSBC công bố chỉ ở mức 48.



Phil Flynn, chuyên gia thuộc Price Futures Group nhận xét: “Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc cùng với số liệu trên làm tăng e ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới mà được hy vọng là dựa vào nhân tố Trung Quốc thúc đẩy”./.


Theo vietnamplus.vn