Ao ương cá giống trong quy trình sản xuất cá tra bột, cá tra giống của Trung tâm giống thủy sản An Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)


So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang có thế mạnh nghề nuôi cá tra, đứng thứ hai sau tỉnh Đồng Tháp.



Tuy nhiên, ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) cho biết thủy sản khó khăn từ nhiều năm qua và ngày càng gặp khó.



Tình hình thị trường Hoa Kỳ hiện quá căng thẳng, trong khi đó trong nước diện tích thả nuôi phát triển tự phát đã làm cho cung vượt cầu.



Trong bối cảnh đó, cuộc chiến cá tra năm 2013 không bình thường và còn tiếp tục khó khăn trong năm 2014.



Theo ông Doãn Tới, trong tình hình khó khăn đó, Hiệp hội Thủy sản An Giang phải có nghị định giải quyết bài toán khó cho con cá tra.



Cùng với đó, các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần phải thống nhất tư tưởng và hành động, tập trung vào các yếu tố điều chỉnh diện tích, sản lượng; thống nhất giá sàn xuất khẩu; đầu mối xuất khẩu, tập trung vào thị trường lớn.



Cụ thể, các tỉnh thành phải quy hoạch, cùng cam kết giảm diện tích, sản lượng, sau sáu tháng tùy tình hình thực tế sẽ điều chỉnh một lần. Trước mắt giảm 30% diện tích thả nuôi, đồng nghĩa với giảm sản lượng.



Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thuận An là đơn vị tham gia chế biến xuất khẩu thủy sản từ hơn 10 năm nay cũng chia sẻ, trong tình hình hiện nay, tuy cá tra là sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng đang gặp rất nhiều rào cản. Vì vậy, các nhà quản lý cần tìm hiểu phát huy thế mạnh của địa phương để phân chia chủng loại chế biến để có liên kết với vùng nuôi.



Bà Huệ Trinh cũng nhấn mạnh hiện nay hoàn toàn thức ăn nuôi cá tra đều nhập từ nước ngoài, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên khuyến khích hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây phục vụ chế biến thức ăn cho cá tra như đậu tương, ngô lai... góp phần hạn chế nhập khẩu, kéo theo hạ giá thành cá tra.



Ông Nguyễn Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cũng đề nghị nên tập trung vào hai khâu còn yếu là khâu phân phối và chính sách thuế. Ngoài ra ông Nguyễn Chí Bình cũng khuyên các doanh nghiệp nên quay về thị trường nội địa.



Bởi theo ông tính toán, thị trường trong nước tiềm năng rất lớn, hiện nay cá tra tươi nguyên con bán rất chạy ở tại các chợ, bình quân mỗi huyện thị mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1 tạ cá.



Cùng với đó, mặt hàng chế biến đông lạnh cũng có mặt ở các tỉnh thành trong cả nước đang được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ rất mạnh.



Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang bên cạnh cây lúa.



Hiện toàn tỉnh có 23 nhà máy chế biến của 17 doanh nghiệp và sản lượng cá tra xuất sang Hoa Kỳ chiếm đến 45% tổng sản lượng xuất nhưng thị trường ngày càng khắt khe.



Theo đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù cho con cá tra, không cào bằng đối với các ngành nghề khác, đồng thời, có quyết định ràng buộc về kỹ thuật như chuỗi liên kết, tiếp tục bổ sung vốn và xem xét giãn nợ cho các doanh nghiệp.



Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, trong ba tháng đầu năm 2014, tỉnh đã xuất khẩu được 38.600 tấn cá tra philê đông lạnh, đạt tổng kim ngạch 93,5 triệu USD, tăng 55% sản lượng và 10% giá trị so với cùng kỳ./.


Theo vietnamplus.vn