Năm 2017, giá bán đất nền Hà Nội tăng nhanh ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là giá đất nền dự án tăng cao nhưng thanh khoản thấp.
Giá đất dự án tăng nhanh, thanh khoản thấp
Năm 2017, lần đầu tiên sau 7 năm, đất nền dự án tại Hà Nội ghi nhận hiện tượng "sốt nóng". Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xuất hiện cục bộ mà không diễn ra trên diện rộng.
Dự án Thanh Hà Cienco 5 (quận Hà Đông) của Tập đoàn Mường Thanh là dự án đất nền duy nhất tại Hà Nội diễn ra hiện tượng "sốt". Tập đoàn Mường Thanh đã nhanh chóng triển khai, mở bán dự án sau khi thâu tóm dự án Thanh Hà từ Cienco 5 Land.
Giá đất nền dự án Thanh Hà tăng nhẹ tại một số đợt mở bán cuối năm 2016. Theo đó, giá gốc của mỗi suất đất ven hồ chỉ khoảng trên 20 triệu đồng và tiền chênh mỗi suất khoảng vài chục triệu đồng. Nhưng sang năm 2017, giới đầu cơ đã đẩy các suất đất này lên gần gấp đôi, gần 40 triệu đồng/m2.
đất nền Hà Nội
Tại Hà Nội, giá đất nền một số dự án tăng nhanh nhưng
có dấu hiệu tăng ảo, với thanh khoản thấp
Giới đầu cơ cũng đã thu mua các đợt mở bán sau này và bán ra thị trường với hàng trăm triệu đồng tiền chênh mỗi suất chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cơn sốt đất dự án Thanh Hà có dấu hiệu sốt ảo hơn là tăng giá thật do việc mua bán thực tế không nhiều và chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư.

Trong năm qua, đất nền một số dự án tại Hà Nội cũng đã tăng giá bán. Nhưng dấu hiệu của một cơn sốt đất thu hút sự quan tâm của cả thị trường vẫn chưa xuất hiện.

Đơn cử như dự án khu đô thị sinh thái Xuân Phương có chủ đầu tư là Công ty CP Tasco, giá bán đã tăng nhanh khoảng 30% trong năm qua. Đất nền dự án này tăng nhanh trong thời gian qua một phần do tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 đã được triển khai và thông xe. Tuy nhiên, giá đất tăng cao nhưng giao dịch thực tế của dự án này lại không sôi động.

Cơ hội "xả hàng" trong cơn sốt đất nền
Cùng hiện tượng tăng giá cục bộ của đất nền dự án tại Hà Nội thì thị trường đất nền sổ đỏ cũng khá sôi động ở nhiều khu vực.

Tại khu vực phía Tây, từ khi triển khai và thông xe tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70, giá đất tại các địa phương dọc tuyến đường, như Vân Canh (huyện Hoài Đức), Xuân Phương (Nam Từ Liêm) đã tăng trên dưới 30% từ nửa cuối năm 2016 đến nay.

Thậm chí, so với thời điểm cuối năm 2016, giá đất nhiều khu vực còn bị đẩy lên 40-50% do sự kỳ vọng quá lớn vào tuyến đường. Thế nhưng, lượng giao dịch đất nền không nhiều do việc tăng giá quá nhanh.

Bên cạnh đó, thông tin năm 2020, Hoài Đức sẽ lên quận cũng đẩy giá đất nền nhiều khu vực tại đây tăng nhanh và được giới đầu tư săn mua.

Đại diện văn phòng môi giới khu vực An Khánh - An Thượng cho biết, sau thông tin năm 2020 Hoài Đức sẽ lên quận, tại khu vực này, giá đất sổ đỏ đã tăng khoảng 20%. Vị đại diện này cũng thừa nhận rằng, việc tăng giá và thanh khoản chỉ diễn ra với các lô đất nằm ở vị trí đẹp, ở các tuyến đường liên xã, liên huyện…

Còn tại khu vực phía Bắc Hà Nội, cụ thể là huyện Đông Anh, trong năm qua, đất nền cũng đã tăng giá mạnh.

Một số văn phòng môi giới tại xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối đánh giá, trong gần 1 năm qua, giá đất tại các khu vực này đã tăng 20-30%. Thậm chí, mức tăng đã lên đến 50% đối với những khu đất gần cầu Nhật Tân, những khu đất trung tâm, mặt đường liên xã.

Thực tế, từ năm 2015, sau khi cầu Nhật Tân thông xe, giá đất tại Đông Anh đã tăng trở lại. Tuy nhiên, giá đất tiếp tục tăng và có xu hướng tăng nhanh hơn khi nhiều đại gia BĐS như: Vingroup, Sun Group, BRG Group… có kế hoạch đầu tư những dự án lớn hàng nghìn tỷ tại đây.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá đất Đông Anh tăng nhanh trong thời gian qua đã tạo ra cơ hội "xả hàng" cho các nhà đầu tư vốn bị "mắc cạn" do đầu tư đất nền trước năm 2012.

Do đó, quảng cáo rao bán "cắt lỗ" đất nền Đông Anh lại bất ngờ nở rộ trong thời gian gần đây bất chấp giá đất khu vực tăng nhanh.