Ngày 14/1, các nhà kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Philippines (PhilRice) đã cảnh báo cuộc chiến chống buôn lậu gạo của nước này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chi phí sản xuất gạo vẫn tiếp tục đứng ở mức cao.



PhilRice, một cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines, nhấn mạnh cần phải có các giải pháp dài hạn chứ không chỉ là các biện pháp pháp lý để ngăn chặn tình trạng buôn lậu gạo tại nước này.



Tiến sỹ Flordeliza Bordey và Aileen Litonjua thuộc PhilRice cho biết lợi nhuận cao do sự chênh lệch lớn giữa giá gạo trong nước và giá gạo thế giới đã khiến nạn buôn lậu gạo trong nước gia tăng.



Kể từ năm 2000, giá gạo tại Philippines đã cao hơn 75%, so với giá thế giới. Mặc dù năm 2008, chênh lệch về giá đã giảm dần nhưng năm 2012, sự chênh lệch này lại được nới rộng lên 30%.



Tiến sỹ Bordey cho rằng nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chênh lệch lớn về giá có thể là do chính sách kinh doanh gạo của Chính phủ và chi phí sản xuất cao ở Philippines so với các nước xuất khẩu khác.



Các nhà kinh tế này cũng trích dẫn các nghiên cứu cho thấy tình trạng buôn lậu có xu hướng tăng cao tại các thị trường có thuế suất thuế nhập khẩu cao và sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại mang tính định lượng.



Philippines là một trong số ít quốc gia được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép để hạn chế nhập khẩu gạo bằng biện pháp hạn chế định lượng (QR). Hiện tại, nước này đang tìm cách kéo dài quy chế này cho đến năm 2017./.


Theo vietnamplus.vn