Ngày 24/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế
Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án “Phát triển kinh tế địa phương nhờ phát triển
sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ
công mỹ nghệ lấy trọng tâm là Trạm dừng nghỉ đường bộ' trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam.



Dự án do JICA tài trợ trong 3 năm (2013-2016) với tổng vốn đầu tư gần 20 triệu
yen Nhật.



Trong thời gian triển khai dự án, Ban Quản lý dự án sẽ khảo sát thực tế hoạt
động sản xuất tại các làng nghề, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như
làng dệt Mã Châu, làng đúc đồng Phước Kiều, cơ sở bánh tráng lề Hương Huệ, hợp
tác xã rau sạch Mỹ Hưng...



Các chuyên gia Nhật Bản sẽ trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng
thương hiệu, phát triển và tiêu thụ sản phẩm.



Các chuyên gia, nhà quản lý của
Nhật Bản cũng đưa ra những kinh nghiệm đúc rút từ thành công của Nhật Bản trong
quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công
mỹ nghệ như chỉ ra những thế mạnh về tài nguyên, cách sử dụng tốt tài nguyên,
đặc trưng tài nguyên của địa phương, quá trình đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, cơ
cấu giao dịch trên thị trường, bán hàng và sắp xếp nơi bán hàng, bí quyết để bán
được hàng.



Bà Haruko Hamada, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển sản phẩm (Nhật Bản) cho
biết bà thực sự ấn tượng với những món ăn của Quảng Nam. Bà cho rằng nếu Quảng
Nam có những tour du lịch gắn liền với ẩm thực sẽ thu hút được rất nhiều du
khách. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vẫn còn
khiêm tốn.



Các chuyên gia Nhật mong muốn đem lại những kinh nghiệm thực tiễn từ Nhật Bản để
hỗ trợ Quảng Nam trong quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển và tiêu thụ
sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ lấy Trạm dừng nghỉ đường bộ tại
huyện Thăng Bình làm trọng tâm theo mô hình mà Nhật Bản đã thực hiện thành
công./.





Theo vietnamplus.vn