Ngân hàng HSBC Holdings dự báo nhu cầu vàng châu Á sẽ tiếp tục gia tăng khi
lạm phát leo thang thúc đẩy hoạt động mua vào đầu tư.



Theo HSBC, thị phần trong tiêu thụ vàng toàn cầu của châu Á đã tăng trong thập
niên qua, với nhu cầu đồ trang sức, vàng thỏi và đồng tiền vàng ở Ấn Độ, Trung
Quốc, Indonesia và Việt Nam đã tăng từ mức 35% năm 2004 lên khoảng 60%.



Trong khi vàng hiện đang hướng tới đợt giảm giá đầu tiên tính theo năm kể từ năm
2000 khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự định thu
hẹp, thậm chí rút lại chính sách nới lỏng định lượng (QE) nhằm kích thích tăng
trưởng, thì sự giảm giá này đã thúc đẩy nhu cầu mua vàng vào của các khách mua
trên khắp châu Á gia tăng.



Từ năm 2008, nhu cầu vàng tại Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi, trong khi tiêu thụ ở
Trung Quốc đã tăng gần 350%. Hai nước này là những khách hàng mua vàng lớn nhất.



Các nhà kinh tế, trong đó có Giám đốc điều hành HSBC, Frederic Neumann, giải
thích rằng lạm phát tăng nhanh hơn nhịp độ tăng lãi suất ngân hàng đã khiến vàng
trở thành nơi trú ẩn an toàn cho vốn đầu tư.



Hãng tin Bloomberg cho biết giá vàng giao ngay trong phiên giao dịch cuối tuần
18/10 tại Singapore là 1.319,99 USD/ounce, giảm 31% so với mức cao kỷ lục trong
năm 2011, và giảm 21% kể từ đầu năm đến nay. Kim loại quý này được dự báo sẽ
tiếp tục còn giảm trong những tháng tới.



Tại các thị trường như Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc người tiêu dùng có rất ít
công cụ để bảo toàn nguồn vốn trước xu hướng giá cả tăng. Chỉ số giá tiêu dùng
tại Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 2,7% năm 2014 và 3,1% năm 2015. Còn lạm phát
ở Ấn Độ khả năng sẽ ở mức 8,7% năm nay, 7,7% năm tới và 7,9% năm tiếp sau đó.




Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu vàng 3 lần trong năm nay nhằm kiềm chế thâm hụt tài
khoản vãng lai đang ngày càng nới rộng. New Delhi dự định duy trì mức nhập khẩu
800 tấn vàng trong tài khóa 2012 kết thúc vào ngày 31/3/2013, so với mức tương
ứng 845 tấn trong tài khóa trước đó.



Ông Frederic Neumann nhấn mạnh rằng mặc dù nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt
tài khoản vãng lai mở rộng là nhu cầu và nhập khẩu dầu tăng cao, song nhu cầu
vàng tăng vọt ở châu Á có liên quan đến cán cân tài khoản vãng lai của các nền
kinh tế trong khu vực, và chừng nào cơn sốt này còn tồn tại thì việc cải thiện
cán cân thâm hụt còn gặp thêm trở ngại./.





Theo vietnamplus.vn