Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng các nguồn cung
cấp dầu mỏ toàn cầu vẫn dồi dào và giá dầu mỏ thế giới có thể giảm nếu sự mất
giá mạnh của các đồng nội tệ tại các thị trường đang nổi dẫn đến sự sụt giảm nhu
cầu về dầu mỏ.



IEA, cơ quan phối hợp các chính sách năng lượng cho các nền kinh tế phát
triển, nêu rõ nguồn cung dầu mỏ toàn cầu dự kiến tăng trong những tháng tới nhờ
một loạt những yếu tố mùa vụ, chu kỳ và chính trị bất chấp những khó khăn trong
việc khai thác dầu mỏ tại Syria cũng như sản lượng thấp tại Libya.



Báo cáo hàng quý mới nhất của IEA nhấn mạnh mặc dù các cơn bão địa chính trị
tại Trung Đông và Bắc Phi vẫn chưa chấm dứt, nhưng các yếu tố cơ bản thuận lợi
đang phần nào giảm sức ép đối với thị trường, ít nhất là trong vài tháng tới.



Giá dầu thế giới trong tháng Tám vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 6
tháng qua giữa lúc có những dự báo về việc phương Tây tấn công quân sự Syria và
sản lượng dầu mỏ của Lybia giảm xuống còn 1/10 công suất do bất ổn trong nước.




Tuy nhiên, theo IEA, cho dù sản lượng dầu mỏ của Lybia có tiếp tục giảm từ
nay đến cuối năm thì việc giảm bớt các hoạt động bảo trì theo mùa tại các giếng
dầu tại Biển Bắc và Vịnh Mexico của Mỹ vẫn có thể làm tăng sản lượng dầu mỏ thế
giới trong quý 4/2013.



Báo cáo của IEA nêu rõ sản lượng khai thác các nguồn dầu mới tại Bắc Mỹ, gồm
dầu đá phiến nhẹ của Mỹ và dầu tổng hợp Canada, đang tăng lên. Sản lượng dầu thô
của Saudi Arabia đang ở mức cao gần kỷ lục trong khi việc giảm nhu cầu sử dụng
điều hòa không khí ở trong nước có thể giúp Saudi Arabia tăng lượng dầu xuất
khẩu.



Dự báo của IEA về mức tăng nhu cầu toàn cầu năm 2014 vẫn được giữ nguyên ở
mức 1,1 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 895.000 thùng/ngày năm 2013 do tình
hình kinh tế vĩ mô cơ bản được cải thiện.



Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trung bình năm 2014 đang được dự báo ở mức 92 triệu
thùng/ngày, tuy nhiên, nhu cầu này có thể giảm vì nhu cầu tại các nền kinh tế
đang nổi giảm đi do giá trị đồng nội trị của họ đã giảm mạnh trong những tháng
gần đây.



Do dầu mỏ được định giá bằng đồng USD nên khi đồng nội tệ của các nước nhập
khẩu dầu mỏ giảm so với đồng USD thì kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ của họ tính bằng
đồng nội tệ lại tăng lên./.





Theo vietnamplus.vn