Việt Nam đang ở thời điểm thuận lợi để thu hút dòng tiền đầu tư từ
Nhật Bản khi quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở đỉnh cao.



Cùng với
đó là việc các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư
sang các thị trường lân cận do gặp khó khăn tại thị trường Thái Lan và
Trung Quốc vì giá nhân công tăng cao. Cơ hội để Việt Nam “bắt kịp” đón
dòng đầu tư mới từ Nhật Bản cũng nhiều mà thách thức đặt ra cũng lớn.



Từ cơ hội…



Tại diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản vừa diễn ra nhân kỷ
niệm 40 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản
(1973-2013), ông Daisuke Hiratsuka, Phó Chủ tịch thường trực Tổ chức xúc
tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết Nhật Bản đang trong quá
trình chuyển dịch khu vực đầu tư và các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu
hướng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.



Tuy nhiên, nếu Việt Nam không
tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để đón làn sóng đầu tư mới từ Nhật
Bản thì sự chuyển dịch đầu tư Nhật Bản sẽ sang các thị trường lân cận
như Indonesia, Myanmar, Lào, Campuchia…



Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh chia sẻ, mặc dù Việt Nam
đang đứng trước cơ hội rất lớn là quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản
đang ở đỉnh cao, nhưng để “bắt kịp” làn sóng đầu tư của Nhật Bản, Việt
Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản đối chiếu với chính sách Việt
Nam, hàng quý trao đổi, kiến nghị Chính phủ Việt Nam tháo gỡ khó khăn
cho doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản. Đây là con đường ngắn nhất để đón dòng
vốn đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam.



Ông Sato
Motonobu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhấn
mạnh Việt Nam đang có lợi thế lớn trong cuộc chạy đua thu hút FDI từ
Nhật Bản. Đó là thiện cảm của người Nhật với Việt Nam và ông đánh giá
đây là điều đến trước khi nói về đầu tư hay kinh doanh. Người Nhật cũng
cảm thấy yên tâm ở một đất nước mà chính trị, an ninh ổn định và có
nhiều tương đồng về văn hóa, tôn giáo như Việt Nam. Bên cạnh đó, kỳ
vọng về quy mô kinh tế và thị trường Việt Nam được đánh giá là thị
trường tiềm năng, đầy hứa hẹn cũng là sức hút lớn để doanh nghiệp Nhật
Bản chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.



Ông Yasuaki
Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, 3 vấn đề lớn Việt Nam
cần tiếp tục khắc phục để thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản là cải
thiện thể chế, hoàn thiện hạ tầng và nâng cao trình độ nguồn nhân lực.
Trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải một số tác động không
tốt, cải cách thủ tục hành chính và tái cơ cấu nền kinh tế chậm, mất
cân bằng cung cầu một số sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là thị trường bất
động sản. Đặc biệt, Việt Nam cần giải quyết những vấn đề cấp bách
trong hệ thống tài chính ngân hàng để không ảnh hưởng đến luồng vốn đầu
tư từ Nhật Bản trong dài hạn.



“Việc giao dịch với ngân
hàng bản địa đang là nút thắt đối với doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư
ra nước ngoài, bởi khi Nhật Bản sử dụng vốn ODA cấp cho doanh nghiệp
Nhật Bản thường thông qua ngân hàng thương mại bản địa , nhưng giao
dịch của các doanh nghiệp Nhật Bản với ngân hàng bản địa đang rất khó
khăn nên Việt Nam cần có cơ chế tháo gỡ để giữ luồng đầu tư từ Nhật
Bản,” ông Yasuaki Tanizaki bày tỏ.



Đại sứ Việt Nam tại
Nhật Bản, Đoàn Xuân Hưng cũng khẳng định làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản
quan tâm tới Việt Nam là có thật, nhưng Việt Nam cần tận dụng để biến cơ
hội thành hiện thực khi mỗi tỉnh của Nhật Bản đều có quy mô kinh tế
bằng vài lần nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần tạo điều kiện để doanh
nghiệp Nhật Bản thành công và ngược lại, doanh nghiệp Nhật Bản cần cho
Việt Nam biết rõ mình đầu tư ở đâu và điều kiện thế nào.



Mục tiêu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản có sự chuyển dịch khi
không còn nghiêng về gia công để xuất khẩu mà đang có khuynh hướng thành
lập các nhà máy chế biến, gia công sản phẩm để cung ứng cho nhu cầu thị
trường Nhật Bản cũng như thị trường tiêu dùng tại Việt Nam. Ngoài ra,
Việt Nam còn được đánh giá là thị trường tiềm năng để đầu tư vào lĩnh
vực bán lẻ…



Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt
Nam không còn ở giai đoạn thu hút đầu tư bằng mọi “giá” nên cần xem xét
sự chuyển dịch FDI của Nhật Bản từ Trung Quốc và Thái Lan vừa là cơ hội
để Việt Nam thu hút đầu tư nhưng cũng là thách thức khi sự chuyển dịch
là sự phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa thị trường đầu tư của doanh
nghiệp Nhật Bản.



Trong giai đoạn 5 của Sáng kiến
chung Việt Nam-Nhật Bản (thực hiện từ tháng 8/2013 đến năm 2015),
Việt Nam sẽ tập trung nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư
như: Cải thiện hệ thống pháp luật, vận dụng pháp luật, thuế, hải quan,
sở hữu trí tuệ, môi trường, bán lẻ, lưu thông, bất động sản, ngân hàng,
dịch vụ, an toàn thực phẩm… Việc thực hiện sáng kiến chung cũng là cơ
hội để các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.



... đến thách thức



Cùng với cơ hội mở ra trong thu hút dòng vốn đầu tư của các doanh
nghiệp Nhật Bản, Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi đón nhận
dòng vốn đầu tư mới vì thực tế, đây không phải là điểm đến duy nhất
mà bên cạnh còn Campuchia, Lào, Malaysia , Indonesia, Myanmar ...



Tại diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Nhật Bản, ông Hiratsuka, Phó
Chủ tịch JETRO nêu ý kiến: Hoạt động hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp
hỗ trợ của Việt Nam yếu. Sự khó khăn trong nội địa hóa linh kiện cũng
là một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp ngành chế tạo Nhật
Bản đầu tư vào Việt Nam gặp phải khi tỉ lệ nội địa hóa linh kiện tại
Việt Nam mới đạt khoảng hơn 27% trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan hay Trung
Quốc tới 50-60%.



Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi
Quang Vinh cho rằng, để Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh thì việc phát
triển ngành công nghiệp phụ trợ là tất yếu, nhưng điều này cần có sự
chuyển giao công nghệ của Nhật Bản cho Việt Nam. Hiện nay, chỉ có khoảng
5% dự án đầu tư vào Việt Nam có chuyển giao công nghệ. Vì vậy, phải có
cơ chế để doanh nghiệp Nhật Bản chuyển giao và các doanh nghiệp Việt
Nam tiếp nhận.



Trước cơ hội tiếp tục thu
hút làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn
mạnh: Nhật Bản đang là quốc gia hỗ trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam ,
chiếm 40% tổng hỗ trợ ODA của quốc tế cho Việt Nam . Đây là nguồn lực
quan trọng đóng góp vào xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo môi trường thu hút
đầu tư cho Việt Nam. Nhật Bản cũng đang dẫn đầu FDI vào Việt Nam kể cả
số lượng, chất lượng cũng như tổng vốn đầu tư. Không thể phủ nhận đầu tư
của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam mang lại nhiều khả năng cạnh
tranh cho doanh nghiệp cũng như bản thân nền kinh tế.



Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong quá trình tái cấu trúc,
Việt Nam không mạnh mẽ chuyển đổi cấu trúc kinh tế theo hướng tăng
trưởng dựa trên chất lượng, tăng thêm sức cạnh tranh, sử dụng năng suất
tổng hợp, chuyển từ mô hình gia công sang sản xuất từ khâu đầu để có
giá trị gia tăng cao hơn , nếu không Việt Nam sẽ tụt hậu. Vì vậy, chìa khóa cho sự phát triển của Việt Nam cần thực hiện theo lộ trình cụ
thể.



“Có định hướng để điều chỉnh dòng vốn - nguồn lực đất nước vào
những lĩnh vực mong muốn không phải bằng biện pháp hành chính mà bằng hệ
thống thể chế, khuyến khích phát triển,” Bộ trưởng nói.



Ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt
Nam bày tỏ, trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam thiếu nguồn nhân
lực quản lý cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn điện cung
cấp không ổn định; thiếu hụt về cơ sở hạ tầng; cơ chế chính sách luôn
thay đổi, thiếu sự liên kết phối hợp giữa các bộ ngành có liên quan,
việc triển khai thực thi chính sách còn chưa đồng bộ giữa các bộ ngành…
điều này đồng nghĩa với việc hạn chế thu hút đầu tư mới doanh nghiệp
Nhật Bản vào Việt Nam.



Vì vậy, nếu Việt Nam cải thiện được môi trường
đầu tư, đồng thời xem xét, so sánh chính sách thu hút đầu tư với các
nước xung quanh để có chính sách vượt trội thì chắc chắn dòng vốn đầu tư
mới của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ “chảy” vào Việt Nam./.







Tính đến tháng 6/2013, Nhật Bản có 1.990 dự án, với tổng vốn
đăng ký gần 33 tỷ USD, đứng đầu các nước có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) vào Việt Nam . Các dự án của Nhật Bản tập trung ở Thanh
Hóa, Bình Dương, Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Hải Phòng vào các lĩnh vực
công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng, bán
buôn bán lẻ, thông tin truyền thông… Nhật Bản cũng là quốc gia cung
cấp vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam (khoảng 24 tỷ USD), chiếm hơn 30%
tổng cam kết viện trợ cho Việt Nam.









Theo vietnamplus.vn