Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 2/9, tại thị trường châu Á, đồng USD bật
tăng so với đồng yen của Nhật Bản và đồng euro của châu Âu sau khi chính quyền
Mỹ quyết định hoãn kế hoạch tấn công quân sự vào Syria cho tới khi có sự phê
chuẩn của Quốc hội, khiến tâm lý ưa mạo hiểm và muốn đầu tư vào các tài sản rủi
ro của các nhà kinh doanh được kích thích mạnh mẽ.



Tuy nhiên, những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ
ngừng chương trình kích thích kinh tế hiện tại trong lúc nền kinh tế lớn nhất
thế giới đang xuất hiện thêm nhiều tín hiệu phục hồi tích cực đã phần nào kìm
hãm hoạt động giao dịch trong phiên này.



Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại thị trường Tokyo, đồng USD được
giao dịch ở mức 98,60 yen đổi 1 USD, tăng so với mức tương ứng 98,16 yen đổi 1
USD của phiên cuối tuần trước (30/8) tại New York.



Đồng bạc xanh cũng 'lấn lướt' trước đồng euro, tăng từ 1,3218 USD/euro lên
mức 1,3200 USD/euro của phiên trước. Trong khi đó, đồng tiền chung châu Âu lại
đi lên so với đồng yen, giao dịch ở mức 130,14 yen/euro, so với mức chốt tuần
trước tại thị trường Mỹ là 129,82 yen/USD.



Trước đó, ngày 31/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông đã quyết định
Washington cần tấn công quân sự vào Syria bởi vì chính quyền của Tổng thống
Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công ở ngoại
ô thủ đô Damascus hồi tuần trước, khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng. Tuy
nhiên, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh ông sẽ đề nghị Quốc hội bỏ phiếu để cho phép
triển khai hành động quân sự chống Syria.



Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner tuyên bố Hạ viện nước này
sẽ xem xét một giải pháp cho hành động quân sự chống Syria vào ngày 9/9 tới.
Thông tin này đã giúp hoạt động săn lùng tài sản rủi ro của giới đầu tư gia tăng
mạnh hơn và dẫn tới làn sóng bán tháo đồng yen.



Tuy nhiên, khi mà cuộc họp chính sách sắp tới của Fed (dự kiến sẽ diễn ra
trong các ngày 7-8/9) đang tới gần, các nhà đầu tư dồn sự quan tâm nhiều hơn vào
câu hỏi: Khi nào Fed sẽ rút lại chương trình thu mua trái phiếu có trị giá lên
tới 85 tỷ USD/tháng, vốn được đưa ra nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ?
Chính nhân tố này đã khiến giới kinh doanh tiền tệ tỏ ra thận trọng hơn và hạn
chế bớt sự sôi động của phiên giao dịch đầu tuần.



Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đón báo cáo về thị trường việc làm Mỹ,
dự kiến sẽ được Bộ Lao động nước này công bố vào cuối tuần này.



Mặc dù lên giá so với cả đồng yen và euro song trong phiên giao dịch 2/9,
đồng USD lại 'lùi bước' so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác của khu vực
châu Á-Thái Bình Dương như đồng đôla của Singapore, won của Hàn Quốc và đài tệ
của Đài Loan (Trung Quốc).



Đồng AUD của Australia hiện giao dịch ở mức 89,68 cent/AUD, tăng so với
mức tương ứng của phiên trước là 89,38 centr/AUD.



Trong khi đó, các đồng tiền chủ chốt của các thị trường mới nổi tại châu
Á, vốn xuống giá trong vài phiên giao dịch gần đây, đã đồng loạt ngược dòng đi
lên trong phiên này. Đáng chú ý, đồng rupee của Ấn Độ đã phục hồi về mức 65,78
rupee/USD sau khi rớt xuống mức thấp kỷ lục 69 rupee/USD hồi tuần trước./.





Theo vietnamplus.vn