Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB), hiện nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có uy tín và thương hiệu. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh và giải quyết bài toán 'được mùa mất giá' cho nông dân, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý đưa những mặt hàng này lên sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài.



Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo 'Đánh giá thực trạng và đề xuất, góp ý việc xây dựng, ban hành thông tư quy định phạm vi, điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài,' do Bộ Công Thương tổ chức sáng 28/8, tại Hà Nội.



Theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam đã có hai sàn giao dịch hàng hóa được cấp phép, gồm sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) và sàn giao dịch hàng hóa INFO mới được cấp phép hoạt động từ tháng 4/2013.



Tuy nhiên, do còn non trẻ nên hoạt động của các sàn giao dịch hàng hóa nói trên vẫn khá èo uột, sản phẩm giao dịch chưa phong phú, không thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia nên thanh khoản thấp.



Trong khi đó, các mặt hàng như cà phê, cao su cùa Việt Nam hiện đã có uy tín và thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế.



Từ thực tế trên, ông Hải cho rằng, việc lựa chọn những mặt hàng trên tham gia sàn giao dịch hàng hóa quốc tế là một chính sách đúng đắn, bởi đây là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Điều này không chỉ giải quyết bài toán về đầu ra cho nông dân mà còn giúp hàng nông sản của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn.



Nhưng để làm được việc này, theo ông Hải, 'cần hoàn thiện khung pháp lý để thương nhân có thể tham gia Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài, trong đó sàn giao dịch hàng hóa trong nước là một đối tác của sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài để thương nhân đầu tư qua đây có thể hạn chế rủi ro, các lệnh mua-bán được minh bạch.'



Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh, mặc dù hoạt động thương mại qua sàn giao dịch hàng hóa đã có từ rất lâu với nhiều quốc gia, tuy nhiên, với Việt Nam, dù đã được quy định trong luật thương mại, cũng như Nghị định 158/2006/NĐ-CP nhưng việc thực hiện vẫn chưa mạnh mẽ và còn mới mẻ với nhiều doanh nghiệp.



'Chính vì vậy, trong bối cảnh hội nhập với thế giới cần có những quy định về hành lang pháp lý giúp nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch hàng hóa hoạt động tốt hơn, giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững các ngành hàng sản xuất,' Thứ trưởng nhấn mạnh./.








Theo dự thảo Thông tư 'Quy định phạm vi, điều kiện với thương nhân Việt
Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa nước
ngoài' mà Bộ Công Thương chủ trì thì Danh mục hàng hóa tham gia sàn giao
dịch nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố trong từng thời kỳ
(hiện có 3 mặt hàng đang giao dịch qua sàn giao dịch hàng hóa trong nước
gồm: càphê, cao su, sắt thép.)





Điều kiện được tham gia sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài: Doanh nghiệp phải có vốn pháp
định từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên; có lĩnh vực hoạt động sản xuất,
kinh doanh liên quan đến mặt hàng giao dịch mua bán qua Sở giao dịch
hàng hóa.





Doanh nghiệp tham gia mua bán phải thực hiện giao dịch qua môi giới trong nước, không được nhận ủy thác từ thương nhân khác.





Đối với các trung gian môi giới, dự thảo thông tư cũng quy định Bộ Công
Thương cấp giấy phép (điều kiện hoạt động) cho đối tượng này. Riêng về
điều khoản thanh toán, ký quỹ, qua Sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài
phải tuân thủ các quy định pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà
nước...







Theo vietnamplus.vn