Giá vàng đã tăng gần 2% trong phiên cuối tuần
25/8, lên mức cao nhất trong hơn hai tháng qua và tiệm cận mốc 1.400 USD, trong
bối cảnh doanh số bán nhà mới tại Mỹ sụt giảm mạnh trong tháng Bảy và sau khi
điều chỉnh, doanh số bán nhà mới trong tháng Sáu trước đó cũng sụt giảm.



Báo cáo vào ngày 23/8 từ Bộ Thương Mại Mỹ cho
biết, doanh số bán nhà mới cho hộ độc thân ở Mỹ trong tháng Bảy đã giảm mạnh hơn
rất nhiều so với dự kiến, giảm tới hơn 13% xuống mức thấp nhất trong chín tháng
qua.



Chỉ riêng số liệu được công bố trong phiên cuối tuần này cũng đủ để khiến giới
phân tích và đầu tư suy đoán rằng có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng
trung ương nước này) sẽ chưa thể ngừng lại và vẫn phải tiếp tục duy trì chương
trình nới lỏng định lượng (QE3) - một trong những tác nhân chính hỗ trợ cho giá
vàng, ít nhất là trong một vài tháng tới.



Đồn đoán này khiến thị trường vàng 'dậy sóng'
khi nhà đầu tư yên tâm mạnh tay gom hàng, qua đó giá kim loại quý này được đẩy
lên.



Đóng cửa phiên cuối tuần 23/8, giá vàng giao
ngay tăng 1,6% lên 1.396,56 USD/ounce sau khi trong phiên đã có lúc chạm ngưỡng
1.398,20 USD/ounce - mức cao nhất kể từ ngày 7/2/2013.



Giá vàng giao kỳ hạn tháng 12/2013 cũng tăng
cực mạnh 25 USD lên 1.395,80 USD/ounce, ngấp nghé ngưỡng 1.400 USD/ounce.



Tính chung cả tuần, giá vàng tăng được 1,6%,
ghi nhận tuần tăng giá thứ ba liên tiếp. Kể từ sau khi tụt xuống mức thấp nhất
trong ba năm qua ở mức 1.180 USD/ounce vào ngày 28/6/2013 thì trong bảy tuần
giao dịch kế tiếp đến nay, vàng đã có tới sáu phiên tăng giá.



Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần
19/8, giá vàng đã biến động trái chiều: tăng tại châu Á do được hỗ trợ bởi các
dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ (lòng tin tiêu dùng Mỹ giảm sút trong tháng Tám
và số nhà xây mới tăng thấp hơn dự kiến trong tháng Bảy) và lượng vàng nắm giữ
của quỹ giao dịch lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tăng mạnh; song lại giảm tại
Mỹ do giới đầu tư lo ngại rằng Fed sẽ giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế.



Xu hướng trái chiều tiếp diễn trong phiên
20/8, song với chiều hướng ngược lại: giảm tại châu Á và tăng tại Mỹ. Giá vàng
tăng phiên này nhờ đồng USD xuống giá và lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ
giảm, trong khi thời điểm giảm dần chương trình nới lỏng tiền tệ của Fed vẫn
chưa được xác định chắc chắn.



Hỗ trợ cho giá vàng phiên này còn là lượng
vàng của Quỹ SPDR Gold Trust nắm giữ đã giảm lần đầu tiên vào phiên hôm trước
sau khi liên tục tăng trước đó. Thêm vào đó là thông tin các nhà nhập khẩu vàng
Ấn Độ nói rằng họ sẽ bắt đầu mua vàng trở lại sau khi Ngân hàng trung ương nước
này đưa ra các quy chế mới.



Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, nhu cầu mua vàng của Trung Quốc và Ấn Độ - hai
nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới - sẽ nhích lên mức kỷ lục 1.000 tấn mỗi
nước vào năm 2013.



Niềm tin của các nhà đầu tư cũng góp phần vào
diễn biến của thị trường vàng, và hiện thị trường đã có nhiều dấu hiệu tích cực
hơn so với thời điểm đầu năm 2013, do nhiều nhà đầu tư tin rằng thời kỳ xấu nhất
đã đi qua và họ đã bắt đầu bơm tiền vào các quỹ vàng.



Sang phiên 21/8, giá vàng đồng loạt đi xuống
trên các thị trường thế giới sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách
mới nhất (vào hai ngày 30-31/7/2013), theo đó thời điểm cụ thể cho việc bắt đầu
thu giảm dần chương trình kích thích kinh tế, hay còn gọi là chương trình nới
lỏng định lượng (QE3) vẫn còn để ngỏ.



Trong biên bản này, một số ít quan chức cho
rằng cần sớm thu hẹp quy mô của chương trình mua trái phiếu, trong khi một số
quan chức khác lại cho rằng Fed cần 'kiên nhẫn' hơn.



Điều này đã đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ
và đồng USD tăng cao, gây sức ép lên giá vàng. Bên cạnh đó, Quỹ giao dịch vàng
SPDR Gold Trust, cho biết tính đến ngày 21/8, lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã
giảm 0,07% xuống 913,52 tấn.



Phiên 22/8 lại là một phiên tăng giảm trái
chiều trên các thị trường: giảm phiên thứ hai liên tiếp tại châu Á và tăng nhẹ
tại Mỹ.



Tác động đến giá và hoạt động giao dịch vàng
trong phiên này vẫn chủ yếu là những lo ngại chưa có lời giải xung quanh số phận
của chương trình QE3 của Fed sau khi thị trường đón nhận một loạt số liệu tích
cực về hoạt động công nghiệp trên toàn cầu, từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới
là Mỹ và Trung Quốc đến các nước Khu vực Eurozone, khiến giới đầu tư gia tăng lo
ngại Fed sẽ sớm rút bỏ dần quy mô QE3.



Ngoài ra, đồng USD mạnh lên trong phiên này
cũng kìm chế lại nhu cầu mua vàng, gây áp lực lên giá kim loại quý.



Một số nhà môi giới trong đó có Goldman Sachs
đã hạ dự báo giá vàng từ đầu năm nay, song một số ngân hàng đã bắt đầu nâng dự
báo giá vàng cuối năm nay lên mức 1.380 USD/ounce, so với mức dự kiến trước đó
1.300 USD/ounce./.





Theo vietnamplus.vn