Tại cuộc họp khẩn giữa Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) với các doanh
nghiệp thép phía Bắc ngày 22/8 tại Hà Nội để bàn giải pháp tháo gỡ khó
khăn cho thị trường thép, VSA yêu cầu các doanh nghiệp cần giữ vững thị
trường hiện tại, không giảm giá bán để cạnh tranh không lành mạnh, chiếm
thị phần lẫn nhau làm ảnh hưởng tới thị trường chung.



Theo nhận định
của VSA, việc các sản phẩm thép giá rẻ và thép hợp kim chứa Bo từ Trung
Quốc tràn về Việt Nam ngày một tăng đã và đang ảnh hưởng xấu đến kết quả
sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất thép xây dựng trong nước khiến
sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp giảm, tồn kho ngày một tăng,
sản xuất cầm chừng, thậm chí là đình đốn sản xuất và làm lũng đoạn thị
trường trong nước.



Chính vì vậy, việc cạnh tranh gay gắt, quyết liệt
theo hướng giảm giá bán để giành thị phần của các đối thủ sẽ chỉ làm cho
nhiều doanh nghiệp càng rơi vào tình cảnh thua lỗ và triệt tiêu lẫn
nhau.



Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi cho biết, tình
hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, để tiêu thụ
sản phẩm các nhà sản xuất thép đã giảm giá bán là điều dễ hiểu. Tuy
nhiên, để giành giật thị phần có những doanh nghiệp không chỉ giảm giá
nhiều lần lên đến cả triệu đồng/tấn mà còn giảm dưới giá sản xuất. Điều
này đang làm méo mó thị trường và gây trở ngại cho nhiều doanh nghiệp
trong ngành thép.



Theo VSA, hiện nay cả nước có khoảng
30 đơn vị sản xuất thép, mỗi đơn vị có lĩnh vực hoạt động khác nhau,
như có đơn vị nhập thép phế liệu, đơn vị thì nhập phôi, đơn vị lại áp
dụng công nghệ cao, có đơn vị còn áp dụng công nghệ lạc hậu… dẫn tới giá
thành rất khác nhau. Từ việc sản xuất theo điều kiện của mỗi đơn đã vị
khác nhau, dẫn tới giá thành khác nhau, nhất là trong điều kiện thị
trường hiện nay khó khăn, tiêu thụ thép chậm, vì thế dễ dẫn tới cạnh
tranh không lành mạnh.



Tại cuộc họp, đại diện nhiều
doanh nghiệp thép cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 30 đơn vị sản
xuất thép nhưng có thực tế là vẫn còn tình trạng doanh nghiệp sản xuất
thép dùng nguyên liệu đầu vào không chuẩn, chi phí sản xuất thấp hơn so
với các lò đúng tiêu chuẩn quy định nên nhà sản xuất không phải chi phí
cho việc tinh luyện và làm sạch thép ở mức độ cho phép nên cho sản phẩm
phôi rất rẻ, chênh lệch lên đến triệu đồng/tấn.



Tuy nhiên, với công nghệ
sản xuất như vậy, chất lượng thép cũng không đảm bảo, người tiêu dùng
rất khó phân biệt đâu là sản phẩm kém chất lượng nên doanh nghiệp vẫn
bán được hàng. Ngược lại, với doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ
hiện đại cho ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhưng giá thành cao
hơn lại rất khó tiêu thụ sản phẩm và không thể chạy đua được với những
đợt giảm giá của các doanh nghiệp trên.



Cạnh tranh trong
nước đã khó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh
với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn về Việt Nam ngày càng
nhiều. Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện tình trạng thép cuộn có
chứa hàm lượng Bo cũng nhập khẩu từ Trung Quốc trà trộn và đội lốt thép
hợp kim để được ưu đãi thuế khi nhập về Việt Nam có giá rẻ hơn càng
khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn hơn.



Thống kê của VSA
cho thấy, năm 2012 các doanh nghiệp thương mại đã nhập thép xây dựng
(cuộn, thanh, hình) có chứa Bo khoảng 427.000 tấn từ Trung Quốc, tăng
331% so với năm trước và trong 5 tháng đầu năm 2013, lượng thép này nhập
về lên đến 270.000 tấn, cao hơn con số 248.000 tấn thép cuộn nhập về cả
năm 2012.



Tại cuộc họp này, đại diện nhiều doanh nghiệp
cũng như VSA khẳng định, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường
tiêu thụ chậm, đặc biệt là cung vượt xa cầu và phải cạnh tranh với thép
nhập khẩu giá rẻ, việc cạnh tranh, giành giật nhau thị phần và giảm giá
chỉ khiến chính các doanh nghiệp trong nước chịu thiệt, thậm chí là lỗ
và khó có khả năng nâng cao cạnh tranh sản phẩm trên thương trường cũng
như việc tái đầu tư sản xuất của doanh nghiệp.



Hiện nay, chi phí cho
đầu vào sản xuất thép không giảm mà một số mặt hàng còn tăng giá, khiến
cho giá thành sản xuất thép cũng tăng theo. Do đó, hàng sản xuất ra
bán không có lãi thì cũng phải bán bằng giá thành sản xuất, không nên
bán lỗ, nếu bán lỗ thì doanh nghiệp khó tồn tại trong bối cảnh thị
trường khó khăn kéo dài như hiện nay.



Cùng với đó,
các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm
thị trường xuất khẩu ngoài những thị trường truyền thống vốn có của
mình đồng thời sớm áp dụng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm
cốt bêtông - Quy chuẩn Việt Nam 07:2011/BKHCN” theo công bố để
tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hạn chế tối đa thép nhập khẩu, đặc
biệt là thép kém chất lượng trà trộn trên thị trường.



Bên cạnh đó,
các doanh nghiệp cũng cần từng bước thay đổi thiết bị công nghệ, nâng
cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường đồng thời cần nâng cao công
tác quản trị điều hành, giảm tối đa các loại chi phí để hạ giá
thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là không sản xuất
tràn lan để tồn kho nhiều. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tạo
cơ chế, chính sách hơn nữa để kích thích thị trường bất động sản, xây
dựng để thúc đẩy tiêu thụ thép ; đồng thời giảm thuế giá trị gia
tăng từ 10% xuống 5% để kích thích tiểu thụ.../.





Theo vietnamplus.vn