Dòng chảy hàng hóa theo tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của nước Nga có thể
sẽ tăng hơn gấp 8 lần vào năm 2020 và thông qua tuyến đường này, vận chuyển hàng
hóa từ châu Âu đến châu Á cũng sẽ tăng đáng kể.



Theo Bộ Giao thông Vận tải Nga, tuyến đường biển phía Bắc là lộ trình ngắn
nhất giữa châu Âu và châu Á, chạy qua Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, dưới thời Liên
Xô trước đây, tàu nước ngoài không thể sử dụng lộ trình này do toàn bị khu vực
bị đóng băng quanh năm.



Từ năm 1993, tuyến đường phía Bắc được mở cửa cho tàu bè quốc tế, nhưng mãi
đến năm 2009 tàu nước ngoài đầu tiên mới xuất hiện tại đây.



Mặc dù vậy, để tàu có thể đi lại qua khu vực này, ngành vận tải biển đã phải
sử dụng tàu phá băng, khiến chi phí vận chuyển tăng đáng kể. Sau nhiều năm tìm
hiểu, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng hiện tượng khí hậu ấm lên toàn cầu đã
khiến cho lớp băng mỏng đi, mở ra cơ hội thuận tiện hơn cho tuyến hàng hải đầy
tiềm năng này.



Các chuyên gia dự đoán việc sử dụng tuyến đường phía Bắc trong tương lai có
thể rút ngắn từ 20-30% thời gian vận chuyển hàng hóa giữa hai châu lục.



Theo thống kê mới nhất, hiện lưu lượng thương mại chính giữa hai châu lục
Âu-Á vẫn chủ yếu đi qua kênh đào Suez hoặc vòng qua châu Phi.



Tuy nhiên, các
tuyến hàng hải truyền thống gần đây trở nên thiếu an toàn do nạn cướp biển gia
tăng, điều này dẫn tới việc số tàu thuyền vận chuyển hàng hóa thông qua đường
biển phía Bắc tăng lên đáng kể bất chấp việc phải sử dụng tàu phá băng.



Bộ Giao thông Vận tải Nga ước tính đến năm 2020, khối lượng hàng hóa vận
chuyển qua tuyến đường biển phía Bắc này có thể tăng 30 triệu tấn/năm. Khoảng
một nửa số này sẽ là hàng trung chuyển, phần còn lại là hàng hóa từ các mỏ khai
thác phía Bắc.



Tuy nhiên, các chuyên gia hàng hải Nga cho rằng để khai thác tiềm năng của
tuyến đường biển phía Bắc, trước mắt Nga phải xây dựng cơ sở hạ tầng, kể cả mạng
lưới các trạm thời tiết và trạm sửa chữa tàu, đặc biệt là xây dựng một hạm đội
thương mại để vận chuyển tất cả các loại hàng hóa.



Ngoài cơ sở hạ tầng, Nga cần có khoảng 280-300 tàu phá băng túc trực tại khu
vực này, thay vì phải đi thuê như hiện nay./.





Theo vietnamplus.vn