Trong phiên giao dịch ngày 20/8 tại thị trường châu Á, đồng USD đã quay đầu
xuống giá so với đồng yen của Nhật Bản, song lại đi lên so với hầu hết các đồng
tiền của nhóm các nền kinh tế mới nổi, do giới đầu tư đang ngày càng tỏ ra nghi
ngại rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm rút lại chương trình kích thích
kinh tế, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xuất hiện những tín
hiệu phục hồi tích cực.



Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng USD được giao dịch ở mức
97,33 yen đổi 1 USD, giảm so với mức tương ứng 97,56 yen đổi 1 USD vào cuối
phiên hôm trước (19/8) tại New York. Tuy nhiên, đồng bạc xanh cũng mất giá so
với đồng euro, giao dịch ở mức 1,3336 USD/euro, so với mức 1,3334 USD/euro của
phiên trước. Trong khi đó, đồng tiền chung châu Âu lại chùn bước so với đồng
yen, giảm từ mức 130,09 yen/euro xuống mức 129,82 yen/USD.



Mọi sự quan tâm đang hướng về biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của FED,
dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 21/8, với nhiều đồn đoán rằng chương trình
thu mua trái phiếu có trị giá lên tới 85 tỷ USD/tháng của FED, vốn góp phần hỗ
trợ tích cực cho thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ, sẽ sớm chấm dứt
trong thời gian tới. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang và làm cho diễn
biến của các thị trường toàn cầu trở nên ảm đạm hơn.



Đáng chú ý là trong phiên này, các đồng nội tệ của một số nền kinh tế mới nổi
đã rớt giá thê thảm so với đồng USD, do tác động của thông tin trên. Tại Ấn Độ,
đồng rupee đã tụt xuống mức thấp kỷ lục 63,69 rupee/USD; tại Indonesia đồng
rupiah cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua (10.495 rupiah/USD);
còn đồng bath của Thái Lan cũng hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua
(31,69 baht/USD).



Tính từ tháng Một tới nay, đồng rupee của Ấn Độ đã giảm giá tới 16% so với
đồng USD và là đồng tiền có diễn biến tệ nhất trong số các đồng tiền của châu Á
trong năm nay. Mặc dù Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố Ấn Độ không thể
rơi vào cuộc khủng hoảng thanh toán như năm 1991 bởi kho dự trữ ngoại hối năm
1991 chỉ đủ cho nhu cầu trong 15 ngày, còn hiện đủ cho nhu cầu trong 6 đến 7
tháng (gần 300 tỷ USD); bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái của đồng rupee hiện nay thả
nổi theo thị trường chứ không bị ấn định như năm 1991.



Tuy nhiên, tuyên bố của Thủ tướng Singh không làm an lòng thị trường rupee.
Các nhà buôn bán ngoại tệ tại Ấn Độ cho biết, nhu cầu lớn về đồng USD của các
công ty nhập khẩu dầu mỏ đã khiến đồng rupee xuống dốc mạnh mẽ.



Cũng trong phiên này, đồng USD lên giá so với các đồng tiền chủ chốt khác của
khu vực châu Á-Thái Bình Dương như đồng SGD của Singapore, won của Hàn Quốc và
Đài tệ của Đài Loan. Đồng AUD của Australia hiện giao dịch ở mức 90,39 xu
Mỹ/AUD, giảm so với mức tương ứng của phiên trước là 91,17 xu Mỹ/AUD./.





Theo vietnamplus.vn