Khách hàng Nhật Bản đang ghi chép các thông tin về mặt hàng tại gian trưng bày thuỷ sản của Việt Nam. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+.)


Thị trường Nhật Bản là một thị trường tiềm năng cho hàng hoá Việt Nam. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp và các nhà quản lý Việt Nam đều đánh giá đây là một thị trường khó tính với những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.



Đây là một thử thách không hề nhỏ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Foodex Japan 2015 đều tỏ rõ quyết tâm không lùi bước trước những trở ngại này bởi họ đều nhìn ra những cơ hội từ bên trong những thách thức.



Là gương mặt hàng đầu về bánh kẹo ở Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Tràng An, ông Trịnh Sỹ bày tỏ sự tự tin về khả năng thâm nhập của hàng hoá Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, coi đây là một cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tự hoàn thiện bản thân trước cuộc chơi lớn.



Ông Sĩ cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về bánh kẹo nhập khẩu sang thị trường Nhật. Qua việc này sẽ củng cố thêm về công nghệ, quản lý chuyên sâu về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Để ngoài việc đưa sản phẩm vào thị trường Nhật thì có thể đưa vào các thị trường khó tính khác ra thế giới như châu Âu, Mỹ và các nước khác nữa. Đây là những lần có được nhiều kinh nghiệm để phát triển sản phẩm Việt Nam ra với thế giới, trong đó có bánh kẹo của Tràng An.”



Với tư cách là cơ quan tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ Foodex tại Chiba, Nhật Bản, năm nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) thấu hiểu hơn hết những nút thắt quan trọng mà hàng hoá Việt Nam đang gặp phải khi vươn ra biển lớn.



Nút thắt đó chính là sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn khắt khe về sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối hàng hoá.



Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agritrade) cho rằng các doanh nghiệp trước hết cần phải sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch như Vietgap và Global gap, hạn chế sử dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu và các thuốc kích thích, bao bì đóng gói cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn quốc tế.



Theo ông, các nhà quản lý phải làm rất chặt khâu kiểm soát động vật, thực vật để loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn không uy tín, để giữ được thị trường xuất khẩu Nhật Bản cũng như thị trường các nước.



Hiểu được thị trường và giới thiệu mặt hàng chiến lược, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận thị trường nước ngoài. Foodex Japan 2015 cũng là cơ hội để 17 doanh nghiệp Việt tham dự hội chợ, trong đó có Công ty Cổ phần Tràng An, Tổng Công ty Rau quả, nông sản Việt Nam, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang,… giới thiệu các mặt hàng thế mạnh đến những đối tác và khách hàng tiềm năng.



Đối với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang, việc thay đổi cách thức chế biến của người tiêu dùng là cách để thu hút sự quan tâm của các khách hàng Nhật Bản.



Ông Mai Hoàng Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Sa Giang cho biết: “Ngoài bánh phồng tôm là mặt hàng chủ lực, chúng tôi có giới thiệu thêm sản phẩm mới là loại phồng tôm không qua chiên dầu mà chủ cần sử dụng máy quay, được khách hàng đánh giá rất cao, đồng thời chúng tôi có những sản phẩm từ gạo như hủ tiếu, phở, bún gạo. Khách hàng Nhật họ rất chuộng những sản phẩm từ gạo này vì không phải qua chiên xào.'



Tuy gặp nhiều khó khăn hơn bởi chính sách bảo hộ nông nghiệp của Nhật Bản nhưng các doanh nghiệp rau quả nông sản Việt Nam như Vegetexco vẫn gặt hái được những thành công nhất định từ việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.



Giám đốc Vegetexco Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Qua tham dự hội chợ Foodex những năm vừa qua, chúng tôi gặt hái được những kết quả tương đối tốt. Số lượng hàng cũng như doanh thu và các chủng loại hàng đều tăng lên hàng năm. Rất có kết quả.'



Trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam–Nhật Bản đang hết sức tốt đẹp, hàng hoá Việt Nam ngày càng được nhiều người Nhật biết đến và ưa chuộng. Thách thức vẫn còn chờ đợi ở phía trước nhưng cơ hội từ chính những thách thức đó lại là điểm thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tìm cách khẳng định chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường này. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động và hứa hẹn những tiềm năng phát triển.



Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng khẳng định cơ hội trong hợp tác về nông nghiệp giữa hai nước là rất lớn và thông qua hợp tác này cũng mở rộng được những sản phẩm mà chúng ta có thể sản xuất được ở Việt Nam và đáp ứng tốt nhu cầu của Nhật Bản.



Đại sứ chia sẻ: “Người tiêu dùng Nhật Bản cũng rất quan tâm đến Việt Nam và bắt đầu rất quan tâm đến những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Và nếu có sự hợp tác của Nhật Bản đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm tốt và giá thành rẻ thì tôi tin rằng thị trường Nhật Bản sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty Việt Nam, các nhà sản xuất ở Việt Nam quan tâm đến.'



Rõ ràng, nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm không thôi chưa đủ mà các doanh nghiệp cần phải có sự giúp sức của các đối tác Nhật Bản để có sự hiểu biết rõ ràng hơn về nhu cầu, thói quen tiêu dùng và yêu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản mà kết quả cuối cùng là hàng hoá Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người tiêu dùng Nhật và quốc tế, xây dựng thế đứng vững chắc cho hàng hoá Việt Nam.



Những Hội chợ quốc tế như Foodex chính là một trong những cửa ngõ quan trọng để doanh nghiệp ta bước chân ra biển lớn./.



Khách tham quan thử món bánh phồng tôm tại khu trưng bày thực phẩm của Việt Nam. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)


Logo của Việt Nam năm nay đã được thay đổi theo hướng cách điệu và bắt mắt hơn. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)
Đại diện của một công ty Việt Nam đang giới thiệu với khách tham quan về thuỷ hải sản Việt Nam. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)

Theo vietnamplus.vn