Thị trấn Kirkenes ở cực Bắc của Na Uy vốn ở xa châu Á hơn bất kỳ các cảng biển châu Âu nào khác. Nhưng đột nhiên nơi này lại 'gần' châu Á hơn. Nguyên nhân: hiện tượng trái đất ấm lên.



Băng tan đã mở ra tuyến đường biển phía Bắc chạy dọc theo đường bờ biển của Nga, khu vực nằm sát với Bắc cực, qua đó thay đổi rất lớn hoạt động thương mại quốc tế. Trong một sự thay đổi chứa đựng tầm quan trọng mang tính cách mạng, thời gian di chuyển từ cảng Yokohama của Nhật Bản tới cảng Hamburg ở Đức, đã giảm tới 40%. Lượng nhiên liệu tiêu thụ cũng giảm 20%.



'Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đã chứng kiến một đại dương mới được mở ra ở khu vực cực Bắc và qua đó đã có tác động lớn lên hoạt động thương mại và lượng nhiên liệu tiêu thụ' - Sturla Henriksen, chủ tịch Hiệp hội chủ sở hữu tàu biển Na Uy (NSA) nói.



Theo công ty điều hành tàu phá băng Rosatomflot của Nga, năm 2012, khi lượng băng ở Bắc cực đạt mức thấp nhất từng được ghi nhận, chỉ bao phủ 3,4 triệu km2, 46 con tàu biển đã sử dụng tuyến đường mới, so với 4 tàu hồi năm 2010.



Lưu lượng tàu biển qua lại tuyến đường phía Bắc hiện vẫn còn ít so với các tuyến giao thông bình thường. Tàu trung chuyển qua Kênh đào Panama đạt mức 15.000 lượt mỗi năm. Trong khi đó, tàu đi qua kênh đào Suez đạt mức 19.000 lượt mỗi năm. Nhưng tương lai của tuyến đường mới đang rất triển vọng.



Theo NSA, lượng hàng chuyển dọc theo tuyến đường phía Bắc sẽ tăng mạnh trong những năm tới, đạt mức 1,26 triệu tấn trong năm ngoái lên 50 triệu tấn trong năm 2020.



Kirkenes, nơi có 3.400 cư dân sinh sống, đang tích cực chuẩn bị chờ đón sự bùng nổ giao thương mới.



Tập đoàn tàu biển Tschudi đã có kế hoạch mở một cổng dịch vụ rộng tương đương 200 sân bóng tại một vịnh hẹp nằm gần đó. Vịnh này không có băng quanh năm nhờ dòng biển ấm Gulf Stream.



Vị trí của cảng mới có tính chiến lược cao. Từ nơi đây chỉ mất 9 ngày để đi tới Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Nó cũng nằm gần các mỏ dầu khí lớn ở Bắc Cực và các mỏ khoáng sản nằm tại phía Bắc Thụy Điển, Phần Lan.



26 con tàu đi qua biển Bắc cực hồi năm ngoái đã chở theo dầu khí, trong khi 6 chiếc chở quặng thép hoặc than.



Tuyến đường mới cũng mở ra một thị trường đầy thú vị liên quan tới khí ga hóa lỏng (LNG) khai thác được từ biển Barents. Nhu cầu sử dụng khí ga ở châu Á đã tăng lên sau thảm họa rò rỉ phóng xạ ở Nhật Bản hồi năm 2011 và giá ga đã tăng lên mạnh ở châu Âu.



Ngoài việc thu lợi lớn nhờ bán khí đốt, mỗi tàu chở khí đốt hóa lỏng sử dụng tuyến đường biển Bắc Cực có thể tiết kiệm chi phí đi lại gần 7 triệu USD so với các tàu chạy qua kênh đào Suez.



Tuy nhiên theo Tschudi Shipping, việc vận chuyển các mặt hàng truyền thống theo tuyến đường phía Bắc lại khó thực hiện. 'Các tuyến đường chở theo hàng rời nằm quá xa ở phía Nam nên người ta khó có thể sử dụng tuyến đường Bắc Cực' - Henrik Falck, giám đốc dự án Đông Âu của công ty nói.



Ông cho biết thêm rằng các công ty chở container thường thích các tuyến đường truyền thống, với nhiều điểm dừng là các thành phố đông dân nằm dọc theo đường đi.



Tại khu vực Bắc Cực, nơi có hệ sinh thái mỏng manh dễ bị hủy hoại, Nga đã đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ đi lại thông qua đội tàu phá băng của mình. Nước này cũng đã quyết định thiết lập 10 căn cứ nằm dọc theo bờ biển để xử lý vấn đề thiếu cơ sở hạ tầng.





Tàu phá băng Taimyr của Nga (Nguồn: AFP)




Trung Quốc hiện cũng muốn tham gia cuộc chơi sau khi được chấp nhận cho tham gia vào Hội đồng Bắc Cực với tư cách quan sát viên. Sau khi tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc đi qua biển Bắc Cực thành công vào năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đã muốn chuyển lô hàng thương mại đầu tiên dọc theo tuyến đường phía Bắc trong mùa hè này.



Theo giám đốc Viện nghiên cứu Bắc cực Trung Quốc Yang Huigeng, tới năm 2020, từ 5-15% hoạt động thương mại quốc tế của Trung Quốc sẽ diễn ra trên tuyến đường biển mới này./.







Theo vietnamplus.vn