Ngày 17/6, Quốc hội Indonesia đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung̣,
mở đường cho việc tăng giá nhiên liệu lần đầu tiên kể từ năm 2008, bất
chấp làn sóng biểu tình phản đối đang lan rộng trên cả nước.



Khoản ngân sách bổ sung trị giá khoảng 9 triệu Rupiah (910 USD),
bao gồm khoản hỗ trợ 150.000 Rupiah (15 USD) mỗi tháng cho mỗi hộ
nghèo.



Khoản hỗ trợ này được áp dụng trong vòng 4 tháng và đối với
khoảng 15 triệu hộ gia đình nghèo. Đổi lại, chính phủ sẽ thực hiện
chính sách tăng giá nhiên liệu lên đến 33%.



Dự kiến giá xăng sẽ tăng
từ 4.500 Rupiah (0,46 USD) lên tới 6.500 Rupiah (0,66 USD)/lít, giá dầu
tăng từ 4.500 Rupiah (0,46 USD) lên 5.500 Rupiah (0,56 USD)/lít.



Chính sách
tăng giá nhiên liệu của Chính phủ Indonesia đã gặp phải sự phản đối
của người dân vì cho rằng điều này sẽ làm giá cả sinh hoạt tăng trong
bối cảnh đời sống kinh tế đang gặp khó khăn.



[Indonesia đã bắt đầu tăng giá nhiên liệu được trợ giá]



Các quan chức địa phương cho biết ngày 17/6, khoảng 3.000 người đã
tập trung biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Jakarta đề
nghị quốc hội nước này không thông qua chính sách tăng giá nhiên liệu.



Đụng độ đã xảy ra và cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay, vòi rồng để
giải tán người biểu tình. Khoảng 20.000 cảnh sát đã được triển khai
ở thủ đô Giacácta để đảm bảo an ninh.



Cũng theo nguồn tin trên, làn sóng biểu tình đã lan rộng ra nhiều
khu vực khác trên cả nước. Tại thành phố Ternate phía Đông đảo Maluku đã có ít nhất năm người biểu tình, một nhà báo và bảy cảnh
sát đã bị thương trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu
tình.



Còn tại Jambi, một thành phố thuộc đảo Sumatra,
hàng trăm người biểu tình đã tìm cách tràn vào tòa nhà cơ quan lập
pháp địa phương nhưng đã bị cảnh sát chặn lại bên ngoài.



Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri cho biết
trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Indonesia phải cắt
giảm trợ cấp đối với nhiên liệu để tránh tăng thâm hụt ngân sách vốn
đang đe dọa nền kinh tế đứng đầu Đông Nam Á này.



Ông Basri cho rằng nếu
không giảm trợ giá nhiên liệu thì thâm hụt ngân sách sẽ chiếm 4% GDP,
so với con số thâm hụt 1,6% GDP hiện nay, đồng thời nếu việc tăng giá
nhiên liệu được thực hiện vào tháng này thì có thể tiết kiệm ngân
sách khoảng 4 tỷ USD.



Năm 2012, Chính phủ Indonesia đã chi 20 tỷ USD
để trợ giá nhiên liệu, dẫn đến tình trạng thâm hụt chi tiêu tài chính
của nước này.



Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của
nước này ngày càng mong manh thì chính sách tăng giá nhiên liệu được
xem như liều thuốc thử cho cam kết cải cách kinh tế của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và nỗ lực tạo ưu thế
trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới./.






Theo vietnamplus.vn