Hầu hết các dự án chung cư bất động sản hiện nay đều cho khách hàng “đặt cọc giữ chỗ” trước khi mở bán. Tuy nhiên việc đặt cọc mua nhà theo hình thức này rất dễ khiến người mua chịu nhiều rủi ro, nhất là khi số người đăng ký mua nhiều hơn số căn hộ được rao bán.

Xem thêm: Mua nhà chung cư trả góp tại Hà Nội cần những thủ tục gì?

Đặt cọc giữ chỗ khi mua nhà chung cư có đúng pháp luật?
Trong Nghị định 99/2015/NĐ-CP về đặt cọc mua nhà chung cư có nêu rõ trường hợp ký hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai có thu tiền trả trước từ người mua, thuê, thuê mua thì bắt buộc phải tuân theo các điều kiện và hình thức của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Tại điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở quy định rõ ràng: “Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.

Do đó theo quy định trên, chủ đầu tư không được phép ký hợp đồng đặt cọc với các cá nhân, tổ chức để huy động vốn xây dựng dự án với mục đích ưu tiên đăng ký, hưởng quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai. Vì vậy, việc đặt cọc mua chung cư ở hầu hết các dự án hiện nay là vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Đặt cọc mua chung cư chưa chắc đã an toàn
Theo quy định của luật Kinh doanh bất động sản, nghị định 153/2007/NĐ-CP, nghị định 71/2010/NĐ-CP và thông tư số 13/2008/ TT-BXD, chủ đầu tư bắt buộc phải bán nhà thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Theo đó, các chủ đầu tư phải bắt buộc công khai toàn bộ thông tin về dự án nhà ở, đưa vào kinh doanh tại sàn giao dịch. Mọi đối tượng đủ điều kiện mua nhà, đã hoặc chưa đặt cọc đều được đăng ký mua, chỉ trừ trường hợp số người đăng ký mua nhiều hơn số căn được rao bán, sàn giao dịch sẽ xử lý bằng cách tổ chức rút thăm, đấu giá.

Theo đúng quy định, cơ hội mua của người không có hay đã có đặt cọc mua nhà chung cư lúc này là ngang nhau. Lưu ý nếu rút thăm thì dựa vào may rủi, còn đấu giá sẽ tùy thuộc vào người trả giá cao hơn.
Vì vậy mà các chủ đầu tư sẽ không có quyền tự quyết định bán nhà trong dự án của mình cho bên đã đặt cọc trước. Và nếu người mua đã đặt cọc rồi nhưng lại xảy ra tình trạng trên thì chưa chắc đã được ký kết hợp đồng mua bán. Thậm chí, trong một số trường hợp rủi ro, khách hàng còn bị các chủ đầu tư chiếm dụng tiền cọc.
Thường, các chủ đầu tư sẽ huy động vốn từ khách hàng trước khi có móng và dùng số tiền đặt cọc để bắt đầu xây dựng. Nhiều khách hàng không hiểu chính xác khái niệm “huy động vốn” và “tiền mua trả trước” nên các giao dịch mua bán nhà hình thành trong tương lai thường mập mờ, dễ xảy ra tranh chấp.
Thực tế, ở hầu hết các dự án bây giờ đều sử dụng hình thức “đặt thành ý” thay cho đặt cọc để lách luật. Rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra. Vì việc đặt cọc mua chung cư là không có tính pháp lý nên trước khi ký kết các loại hợp đồng đặt cọc mua nhà chung cư, người mua cần tìm hiểu kỹ về dự án. Điều này cũng giúp người mua và chủ đầu tư tránh xảy ra tranh chấp. Nếu hai bên kiện nhau ra tòa thì bản hợp đồng đặt cọc sẽ vô hiệu và chắc chắn người mua sẽ mất số tiền đặt cọc với chủ đầu tư.

Nguồn: https://tapchimuabannhadat.com/dat-c...-thuc-su-toan/