Công ty tư nhân đa quốc gia Cargill lớn nhất ở Mỹ, đóng trụ sở tại
Minnetonka, Minnesota - nhà sản xuất và tiếp thị quốc tế hàng đầu thế giới về
các sản phẩm và dịch vụ thực phẩm, nông nghiệp, tài chính và công nghiệp, đang
triển khai dự án đầu tư trị giá 100 triệu USD xây dựng một nhà máy máy chế biến
cacao tại Gresik, tỉnh Đông Java, Indonesia.



Giám đốc phụ trách sản xuất của Cargill, Jo De Loor cho biết mục tiêu đầu tư
của công ty là nhằm khai thác thị trường cacao đang phát triển của châu Á-Thái
Bình Dương, và cơ sở chế biến cacao đầu tiên ở châu Á nói trên -có khả năng xử
lý 70.000 tấn hạt ca cao, sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2014 với các sản
phẩm rượu cacao, bơ và bột cacao.



Ông Jo De Loor nhấn mạnh rằng kế hoạch đầu tư vào Indonesia nằm trong khuôn
khổ chiến lược phát triển của công ty nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối
với các sản phẩm cacao ở châu Á, và ngoài đem lại lợi ích cho công ty, dự án này
còn là một động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp cacao Indonesia.



Theo ông Jo De Loor, nhu cầu các sản phẩm cacao của châu Á-Thái Bình Dương được
dự báo sẽ tăng trưởng 5-10% /năm trong những năm tới, và trong năm 2012 khu vực
này đã đóng góp tới 24% vào tổng doanh thu 133,9 tỷ USD của Cargill, tăng 12 %
so với năm 2011, và chỉ đứng sau khu vực Bắc Mỹ với 38%.



Nhà máy mới tại Indonesia sẽ bổ sung cho mạng lưới cung cấp và chế biến cacao
toàn cầu của Cargill ở Tây Âu, Cameroon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil và Mỹ.



Cargill từ năm 1005 đã nhập cacao của Indonesia - hiện là nhà sản xuất cacao
lớn thứ ba thế giới.



Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết năm 2012 nền kinh tế
lớn nhất Đông Nam Á này đã đạt sản lượng 833.310 tấn cacao, tăng 17% so với trên
712.200 tấn trong năm trước đó.



Kể từ khi áp thuế xuất khẩu đối với hạt cacao trong năm 2010, xuất khẩu cacao
sơ chế và chế biến của Indonesia đã tăng đáng kể trong 3 năm qua cả về khối
lượng và giá trị.



Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), năm 2012, nước này đã xuất
khẩu được 188.500 tấn các sản phẩm cacao đã chế biến, trị giá 556 triệu USD,
tăng tương ứng 29,48% và 55% so với năm 2011.



Các khách hàng tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm cacao đã chế biến của Indonesia là
Mỹ, châu Âu, Philippines và Trung Quốc./.





Theo vietnamplus.vn