Giảm trong phiên đầu tuần (28/4) và tăng trở lại trong phiên kế tiếp (29/4),
thị trường dầu mỏ thế giới lại đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch cuối
cùng của tháng Tư (ngày 30/4), sau khi xuất hiện các số liệu yếu kém ngoài dự
kiến của hoạt động chế tạo tại Mỹ (Chỉ số quản lý sức mua - PMI - của Chicago
trong tháng Tư đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009) và một số báo cáo
kinh tế tiêu cực của châu Âu.



Những số liệu này làm dấy lên mối quan ngại về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ
dầu mỏ toàn cầu, qua đó đẩy giá dầu đi xuống.



Chốt phiên cuối cùng của tháng Tư, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng Sáu tới đây
tại New York đã giảm 1,04 USD xuống 93,46 USD/thùng, trong khi tại London, giá
dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,44 USD xuống 102,37 USD/thùng.



Đà giảm tiếp tục lan sang phiên 1/5, trong đó giá dầu Brent đã có lúc ngấp
nghé mức thấp nhất của hai tuần qua, sau khi thị trường nhận được những thống kê
kinh tế yếu ớt phát đi từ Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc 'ngốn' nhiều dầu mỏ
nhất hành tinh.



Tại Trung Quốc, chỉ số PMI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng
Tư đã giảm từ mức 50,9 của tháng Ba xuống còn 50,6; số lượng các đơn đặt hàng
xuất khẩu trong cùng kỳ cũng sụt giảm đáng kể.



Tại Mỹ, khu vực chế tạo cũng chậm lại trong tháng Tư, trong khi kho dự trữ
dầu thô cũng đang ở mức cao nhất trong hơn 30 năm qua (trong tuần kết thúc vào
ngày 26/4, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 6,7 triệu thùng lên 395,3 triệu
thùng). Những thống kê này châm ngòi cho một đợt bán tháo mới trên các thị
trường hàng hóa trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Năm, cho dù thị trường
đã nhận được sự 'hỗ trợ' từ cam kết quyết tâm theo đuổi kế hoạch kích thích tiền
tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).



Tin tức cho hay tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Eurozone trong tháng Tư leo lên
mức cao kỷ lục 12,1%, trong khi tỷ lệ lạm phát lại hạ xuống còn 1,2%; doanh số
bán lẻ của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cũng sụt giảm đáng kể trong
tháng Tư.



Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều đi lên trong hai phiên cuối tuần 2 và 3/5
(trong đó riêng trong phiên 2/5 đã tăng được hơn 3% tại thị trường Mỹ) trước
quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc tiếp tục chương trình nới
lỏng tiền tệ hiện nay, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, cùng quyết định hạ lãi
suất xuống mức thấp kỷ lục mới (0,5%) của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và
các thông tin tích cực về thị trường việc làm Mỹ.



Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 27/4 vừa qua, lượng đơn xin
hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này đã giảm 18.000 người xuống chỉ còn
324.000 người - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2008 tới nay ở Mỹ và thấp hơn
nhiều so với dự kiến trước đó của giới chuyên gia.



Còn tính chung cả tháng Tư, nước Mỹ đã tạo thêm được tổng cộng 165.000 việc
làm, cao hơn nhiều so với dự kiến, đưa tỷ lệ thất nghiệp của tháng Tư giảm xuống
còn 7,5%. Thông tin tích cực này làm nức lòng giới đầu tư và đẩy tất cả các thị
trường, từ hàng hóa (trong đó có dầu mỏ) cho tới chứng khoán, đồng loạt 'cất
cánh,' đồng thời làm dịu bớt nỗi lo về sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế
giới, cũng là nhà tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.



Chốt phiên cuối tuần ngày 3/5, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ
giao tháng Sáu tới tăng thêm 1,62 USD so với phiên trước, lên chốt tuần ở mức
95,61 USD/thùng, tăng so với mức chốt 92,18 USD/thùng của cuối tuần trước nữa.




Còn tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng thêm
1,34 USD so với phiên trước lên chốt tuần ở mức 104,19 USD/thùng, cao hơn so với
102.35 USD/thùng của cuối tuần trước nữa.



Theo các nhà phân tích, sự hồi phục của giá dầu trong tuần này, đặc biệt
trong hai phiên cuối tuần, chủ yếu là kết quả từ niềm tin mạnh mẽ hơn vào nền
kinh tế toàn cầu khi cả ECB và FED đều ra các quyết sách tiếp tục theo đuổi con
đường kích thích kinh tế tăng trưởng - nhân tố sẽ thúc đẩy nhu cầu về dầu trong
nửa cuối năm nay./.





Theo vietnamplus.vn