Trong phiên giao dịch ngày 30/4 tại thị trường Mỹ, giá dầu đã đảo chiều đi
xuống, sau khi xuất hiện các số liệu yếu kém ngoài dự kiến của hoạt động chế tạo
tại Mỹ và một số báo cáo kinh tế tiêu cực của châu Âu, qua đó làm dấy lên mối
quan ngại về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.



Chốt phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6/2013 giảm 1,04 USD
xuống 93,46 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent
Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,44 USD và đóng cửa ở mức 102,37 USD/thùng.



Ngay từ đầu phiên này, giá dầu ngọt nhẹ đã quay đầu giảm mạnh sau khi Chính phủ
Mỹ công bố số liệu cho thấy hoạt động của ngành chế tạo tại khu vực Chicago đã
giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 4/2013. Cụ thể, chỉ số quản lý sức mua (PMI)
của Chicago trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.



Thông
tin này khiến nhiều người cảm thấy bất an về 'sức khỏe' của nền kinh tế Mỹ cũng
như đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, qua đó thêm phần hoài nghi về triển vọng
tiêu thụ dầu mỏ trong thời gian tới.



Trong khi đó, diễn biến tại châu Âu cũng không khả quan hơn khi các báo cáo mới
nhất từ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp
tại khu vực này trong tháng 4 leo lên mức cao kỷ lục 12,1%, trong khi tỷ lệ lạm
phát lại hạ xuống còn 1,2%. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ của Đức - nền kinh tế
lớn nhất châu Âu - đã sụt giảm đáng kể trong tháng vừa qua.



Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang dồn sự quan tâm vào cuộc họp chính sách của
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dự kiến sẽ
đều diễn ra trong tuần này.



Giới phân tích nhận định rằng sau cuộc họp tới, nhiều khả năng FED sẽ giữ nguyên
các chính sách tiền tệ, trong khi ECB có thể sẽ cắt giảm lãi suất chủ chốt, vốn
đang đứng ở mức thấp kỷ lục 0,75%.



Tới phiên giao dịch ngày 1/5 tại thị trường châu Á, giá hai loại dầu chủ chốt
cũng đồng loạt sụt giảm sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố số liệu đáng thất
vọng về hoạt động của ngành chế tạo nước này trong tháng 4/2013.



Tính tới cuối buổi chiều tại sàn giao dịch điện tử Bangkok, giá dầu ngọt nhẹ hay
còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 6/2013 giảm 45 xu xuống 93,01
USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng mất 89 xu
xuống còn 101,48 USD/thùng.



Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, chỉ số PMI của nền kinh tế lớn
thứ hai thế giới trong tháng Tư vừa qua đã giảm từ mức 50,9 của tháng 3 xuống
còn 50,6. Bên cạnh đó, số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu trong cùng kỳ cũng
sụt giảm đáng kể. Các con số này khiến nhiều người hoài nghi về triển vọng tăng
trưởng của kinh tế Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế
giới./.





Theo vietnamplus.vn