Gần 200 gian hàng của các đơn vị, doanh
nghiệp, làng nghề đến từ 26 tỉnh, thành trong cả nước đã tham gia Hội chợ Triển
lãm Làng nghề Việt Nam năm 2013, khai mạc tối 26/4 tại thành phố Huế.



Hội chợ diễn ra đến hết ngày 1/5, do Bộ Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế
tổ chức.



Hội chợ giới thiệu các sản phẩm về công
nghiệp; điện, điện tử và công nghệ thông tin; vật tư nông nghiệp; vật liệu xây
dựng, trang trí nội thất; các mặt hàng tiêu dùng; dịch vụ...



Trong đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 50 gian hàng
giới thiệu nghề thủ công truyền thống, làng nghề, ngành nghề nông thôn của các
địa phương trên địa bàn.



Nhóm các sản phẩm trưng bày tại hội chợ lần
này bao gồm sơn mài, mây tre giang đan, guột tế, gốm sứ, thêu ren, đá, xương
sừng mỹ nghệ, khảm trai, lụa tơ tằm, dệt lụa, thổ cẩm, hoa lụa, hoa giấy, điêu
khắc gỗ, vàng, bạc, đồng, kim khí và nhiều sản phẩm làng nghề đặc sắc và mang
đặc trưng riêng của các vùng quê Việt Nam.



Hội chợ có các không gian làng nghề mang đặc
trưng riêng của mỗi vùng, miền trong cả nước, như không gian cho vùng đồng bằng
Bắc Bộ với các làng nghề dệt lụa, áo dài cùng chiếc máy dệt thủ công, khung dệt
lụa và những người thợ dệt nổi tiếng; vùng Tây Bắc khoe sắc với nghề dệt thổ cẩm,
đũi, thảm, đay truyền thống; vùng Nam Bộ sẽ trưng bày các sản phẩm mây, tre, nứa,
dừa, lá nhằm tôn vinh truyền thống thợ thủ công của các làng nghề.



Ở đây còn có khu trưng bày và bán sản phẩm
thủ công mỹ nghệ làm quà tặng phục vụ khách du lịch. Trong các ngày diễn ra hội
chợ còn có các hoạt động, như biểu diễn văn hóa nghệ thuật để phục vụ du khách,
các chương trình gắn liền với làng nghề và cuộc sống, sản xuất của người dân ở
nông thôn; hội thảo nghề và làng nghề truyền thống Huế với du lịch, tiềm năng và
hướng phát triển…



Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Trưởng
Ban chỉ đạo Hội chợ cho biết diễn ra trong khuôn khổ hoạt động Festival Nghề
truyền thống Huế 2013, hội chợ là dịp tôn vinh các nghệ nhân, các thợ thủ công
và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam; tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất kinh doanh
tại các làng nghề giới thiệu, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm đẩy mạnh sản xuất,
mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu
hình ảnh làng nghề truyền thống gắn với đất nước, con người Việt Nam với du
khách trong và ngoài nước./.





Theo vietnamplus.vn