Theo giới phân tích, đợt sụt giá tới 13% chỉ tính từ lúc mở cửa phiên cuối tuần
trước (12/4) với lúc đóng cửa phiên đầu tuần mới (15/4) cho thấy giai đoạn lên
giá suốt 12 năm qua của vàng đã chấm hết khi giới đầu tư tháo chạy khỏi kim loại
quý vốn được coi là công cụ chống lạm phát hữu hiệu và nơi trú ẩn an toàn trong
thời kỳ bất ổn.



Từ rơi tự do
...



Sau khi bất ngờ rơi xuống dưới ngưỡng 1.500 USD/ounce vào cuối tuần trước, nâng
tổng giá trị bị mất trong hai phiên lên tới 90 USD/ounce, sang đầu tuần vừa rồi
giá vàng tiếp tục rơi tự do với tốc độ mạnh hơn xuống 1.355,79 USD/ounce. Đây là
mức thấp nhất của kim loại quý này kể từ 14/2/2011, trước khi nhích lên 1.371,03
USD/ounce vào lúc Thị trường Vàng bạc London đóng cửa.



Tại Sàn giao dịch vàng New York (COMEX) giá vàng còn bị dìm xuống 1.338
USD/ounce, giảm tới 10% so với cuối tuần trước và là đợt giảm mạnh nhất kể từ
năm 1983.



Như vậy giá vàng thế giới đã ở ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 2/2011 và đã mất
khoảng một nửa mức tăng đạt được từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm
2008. So với đỉnh cao kỷ lục 1.920,3 USD/ounce được ghi nhận hồi tháng 9/2011,
giá kim loại quý này hiện đã 'bốc hơi' khoảng 560 USD.



Theo chân vàng, các kim loại khác cũng đồng loạt xuống giá, trong đó bạc rơi
xuống 23,02 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010.



Tuy nhiên, thị trường vàng đã phần nào lấy lại sinh khí vào phiên 16/4 sau khi
nếm trải đợt sụt giá khủng nhất trong 30 năm qua do kinh tế Trung Quốc tăng
trưởng không được như kỳ vọng và thông tin Cộng hòa Síp có kế hoạch bán phần lớn
vàng trong kho dự trữ.



Giới đầu tư vàng tỏ ra hoảng hốt sau khi Trung Quốc, một trong hai nước tiêu thụ
vàng hàng đầu thế giới cùng với Ấn Độ, công bố tốc độ tăng trưởng của nền kinh
tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại còn 7,7% trong quý 1/2003, chưa tới con số
8% mà các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin AFP đưa ra và thấp hơn
cả tốc độ tăng 7,9% trong quý 4 năm ngoái. Kinh tế Trung Quốc bước vào thời kỳ
tăng trưởng thấp, kéo theo người dân nước này sẽ có thể không mua gom vàng nhiều
như trước.



[Síp quyết định bán lượng vàng trị giá 400 triệu euro]




Thông tin này ngay lập tức tác động tới các sàn chứng khoán, đẩy các sàn vào sắc
đỏ và các thị trường hàng hóa khác cũng chung số phận, trong đó giá dầu Brent
biển Bắc rớt xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm
ngoái.



Ép giá vàng xuống dốc còn do bức tranh thiếu gam màu sáng từ Ấn Độ trong những
tháng đầu năm: GDP quý 3 của tài khóa 2012-2013 chỉ đạt 4,5% so với mức tương
ứng 5,3% và 5,5% của quý 1 và quý 2; thâm hụt ngân sách ước tính 5,2-5,3% GDP
trong cả năm; thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến là 5% GDP. Ấn Độ công bố nhập
khẩu vàng giảm 24% trong quý 1 và tiếp tục giảm sâu trong quý 2 bởi thuế nhập
khẩu vàng tại nước này đã tăng thêm 50% từ đầu năm 2013 do Chính phủ muốn hạn
chế nhập khẩu vàng để giảm bớt thâm hụt tài khoản vãng lai - một trong ba trở
ngại chính cản trở tiềm năng tăng trưởng kinh tế đất nước Nam Á này.



Sức ép đổ xuống thị trường vàng còn do có tin Síp có thể bán một lượng vàng trị
giá 400 triệu euro trong kho dự trữ vàng nhằm góp thêm vào gói cứu trợ quốc tế
trị giá 10 tỷ euro đã đạt được với bộ ba chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu,
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu-ECB) trong nỗ lực đưa ngành
tài chính-ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng. Theo các chuyên gia, Síp cần phải
bán ra 10,36 tấn trong tổng số 13,9 tấn vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương
nước này (tính đến cuối tháng 2 vừa qua).



Nhà phân tích Joyce Liu từ Phillip Futures tại Singapore cảnh báo động thái của
Síp sẽ gây bất ổn trên thị trường kim loại quý, và tạo tiền lệ cho các nước
thành viên khác trong Eurozone cũng đang gặp khó khăn tài chính.



Trước đó, năm 1999, ngân hàng trung ương các nước châu Âu từng đạt được thỏa
thuận hạn chế lượng vàng bán ra nhằm 'kích' giá sau khi kim loại quý này 'chạm
đáy' 250 USD/ounce - mức thấp nhất trong suốt 20 năm.



Một tác nhân nữa kìm nén thị trường vàng là tỷ phú George Soros khẳng định vàng
đã không còn là tài sản an toàn, khiến giới đầu tư không còn mặn mà với vàng.
Không những thế, các ngân hàng hàng đầu thế giới như Goldman Sachs, Barclays,
Societe Generale và BNP Paribas đồng loạt hạ khoảng 5-10% dự báo cho giá vàng
năm nay và năm tới. Riêng Deutsche Bank lại đưa ra con số cao hơn là 12% với lý
do đồng USD đang mạnh lên và nhu cầu mua vàng làm tài sản trú ẩn giảm đi.



Theo chiến lược gia thị trường Kelly Teoh từ IG Markets tại Singapore, tốc độ
rơi của vàng và làn sóng bán tháo đã gây ra một cú sốc mới trên thị trường. Còn
xét trên dài hạn lại, với kỳ vọng lạm phát vẫn đứng yên (dựa trên các số liệu
của Mỹ và Trung Quốc) những người mua vàng như là công cụ chống lại xu hướng giá
cả tăng đang có xu hướng bán tháo vàng. Thị trường vàng đã đi qua 12 năm tăng
giá - đợt tăng giá được coi là hết sức ngoạn mục trong lịch sử.



Nhưng theo chuyên gia Teoh, nếu bạn đang giữ vàng và nhận thấy có thể bán ra
kiếm lời thì động thái đó hoàn toàn là tự nhiên.



... tới thời điểm mua vào



Theo nhà phân tích Liu, các nhà giao dịch có thể từ bỏ vàng, kim loại quý được
coi là nơi trú ẩn an toàn mỗi khi có bất ổn kinh tế khi sự phục hồi của kinh tế
Mỹ mạnh mẽ hơn và cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone dịu bớt.



Từ Hong Kong, nhà kinh doanh đồ kim hoàn Amy Lee nói rằng những khách hàng đổ xô
mua vàng khi thấy vàng trượt dốc cuối tuần trước đã tạm ngừng mua vào bởi họ chờ
đợi giá vàng sẽ giảm sâu hơn.



Ông Lee từ Pak Kong Jewellery & Goldsmith khuyên những người có tâm lý mua vàng
để chống lạm phát rằng nên chớp lấy cơ hội vàng đang rớt giá như hiện nay để mua
vào. Nhưng thực tế cho thấy làn sóng mua vào đã xẹp xuống bởi khách mua kỳ vọng
đà xuống giá của vàng còn chưa chững lại.



Jim Rogers, một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực vàng tại Singapore, cho rằng
ông chẳng vội mua vào bởi giá vàng vẫn còn có thể trượt sâu hơn nữa.



Tờ Straits Times dẫn lời Jim Rogers: 'Tôi chưa mua vàng bởi thị trường cần có
đợt điều chỉnh. Kim loại quý này mới chỉ có một đợt điều chỉnh hơn 30% trong
vòng 12 năm qua, động thái hết sức bất thường. Nếu giá vàng xuống mức đủ thấp
tôi sẽ khởi động đợt mua vào trở lại.'



Còn Julian Jessop, nhà kinh tế trưởng toàn cầu thuộc Capital Economics ở
Singapore, nhận xét rằng đợt rớt giá khủng khiếp trên thị trường vàng được kích
hoạt bởi các nhà đầu cơ hơn là bất cứ sự thay đổi nào trong nền tảng dài hạn.



Dù cho giá vàng giảm cùng với thị trường hàng hóa theo sau những tin tức kém vui
từ hai nền kinh tế đầu tàu Trung Quốc và Mỹ, nhưng một khi giới đầu tư bình tĩnh
trở lại vàng sẽ sớm lấy lại phần nào đã mất.



Ông Michael Hewson, chuyên gia phân tích tại CMC Markets, nói: “Tôi cho rằng thị
trường đã đối mặt với tâm lý bi quan thái quá không cần thiết. Thị trường sẽ chỉ
hỗn loạn ở hiện tại và sẽ dần bình ổn trở lại.”



John Reade, một chuyên gia về vàng tại Paulson & Co, lạc quan: 'Cục Dự trữ Liên
bang Mỹ vẫn đang bơm tiền với tốc độ chưa từng có, tạo nhu cầu lớn về vàng. Vàng
có thể biến động trong ngắn hạn và trải qua một số đợt điều chỉnh, nhưng chúng
tôi tin rằng xu hướng dài hạn vẫn là nhu cầu tăng.'



Thực tế cho thấy FED vẫn đang in thêm tiền để mua trái phiếu và chủ trương không
nâng lãi suất ngắn hạn ít nhất cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 8% hiện
nay xuống còn 6,5%. Không riêng FED, các chính sách gần đây của ngân hàng trung
ương chủ chốt trên thế giới đang cho thấy 'Kỷ nguyên chính sách tiền tệ siêu
lỏng' sẽ vẫn tiếp diễn. Và như vậy cơ hội để vàng tiếp tục tỏa sáng càng được
nhân lên./.





Theo vietnamplus.vn