Ngày 9/4, tại thành phố Bạc Liêu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
(VCCI) tại Cần Thơ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo
'Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2012, khu vực Đồng bằng
sông Cửu Long.”



Theo báo cáo đánh giá, những năm gần đây, nhất là trong 3 năm trở lại đây, chỉ
số PCI ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự thay đổi rõ rệt, vượt bậc. Đặc
biệt, từ khi chỉ số PCI được đưa vào đánh giá năm 2006, các tỉnh thành khu vực
Đồng bằng sông Cửu Long luôn đạt kết qủa cao.



Kết quả PCI năm 2012, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xếp thứ nhất so với cả
nước. Trong thành tích đó, khu vực này có 3 tỉnh nằm trong tốp 3, gồm: Đồng
Tháp, An Giang và Trà Vinh; 6 tỉnh nằm trong tốp 10, các tỉnh còn lại đều nằm
trong nhóm khá so với cả nước.



Trong đó, thể hiện rõ nhất là tỉnh Đồng Tháp, An
Giang, Trà Vinh… từ thứ hạng khá vươn lên dẫn đầu cả nước. Riêng đối với Bạc
Liêu, có sự cải thiện nhanh và chắc. Nếu như năm 2009, Bạc Liêu đứng thứ hạng
59/63 tỉnh, thành thì năm 2012 đứng thứ 7 trong cả nước… góp phần không nhỏ
trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội trong khu vực.



[Đồng Tháp dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh]



Theo các chuyên gia đánh giá, có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo của các
tỉnh thành trong khu vực này không ngừng nỗ lực tăng cường phát triển doanh
nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ngoài các yếu tố đầu tư
cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư luôn được chú trọng, các chính sách địa phương
luôn hướng về doanh nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận
lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.



Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam (VCCI), trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam, Đồng bằng
sông Cửu Long có vị trí, vai trò quan trọng và xuất khẩu nông sản hàng đầu, tham
gia đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế cả nước.



Thể hiện rõ nhất là môi
trường đầu tư của vùng, số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng doanh
nghiệp mới được thành lập ở khu vực này gia tăng qua từng năm. Kết quả trên cho
thấy sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, chính quyền địa phương đã nỗ lực thay đổi
với quyết tâm rất cao để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.



Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu còn được nghe báo cáo kết qủa chỉ số PCI
năm 2012 của cả nước, khu vực, từng tỉnh, thành 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long;
nhiều tham luận, ý kiến trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư; nhận định của
các chuyên gia về những thay đổi và cải cách hành chính; kinh nghiệm, cách làm
hay trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài vào Đồng
bằng sông Cửu Long./.





Theo vietnamplus.vn