Theo Tổng cục thống kê, năm
2012, EU vươn lên vị trí thứ nhất trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của
Việt Nam với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD (tăng 22,5% so với năm 2011) và chiếm
17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.



Mức tiêu thụ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam của EU là 7,7% lớn hơn cả Trung
Quốc; đồng thời thặng dư của Việt Nam với EU (11,5 tỷ USD) và Hoa Kỳ (14,9 tỷ
USD) đã giúp khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài của Việt Nam với
Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN.



Điều này cho thấy, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại bằng
cách tăng cường liên kết thương mại với các nền kinh tế có tính bổ trợ như EU mà
không phải với các nền kinh tế cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.



Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm Tư vấn Dự án EU-MUTRAP cho biết, xuất khẩu của
Việt Nam sang EU chủ yếu là năm mặt hàng (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu)
gồm giày, may mặc, càphê, thủy hải sản và đồ gỗ.



Mức thuế trung bình mà EU áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là khoảng
4,1%; thuế bình quân (ở mức thương mại) vào khoảng 7%, trong đó mức thuế một số
sản phẩm vẫn cao hơn mức trung bình như may mặc (11,7%), thủy hải sản (10,8%),
giày (12,4%) và cũng có sản phẩm có mức thuế cao đỉnh điểm hơn 57%.



Về cơ bản, việc bãi bỏ thuế nhập khẩu trong thương mại theo khuôn khổ Hiệp định
Thương mại tự do FTA sẽ mang lại những thế mạnh lớn hơn cho Việt Nam so với các
đối thủ cạnh tranh trên thị trường EU và tỷ trọng xuất khẩu sẽ gia tăng; được
giảm thuế, hưởng mức giá thấp hơn đối với công nghệ và nguyên vật liệu chất
lượng cao từ EU; đồng thời EU sẽ xuất khẩu dịch vụ chất lượng, tạo điều kiện cho
doanh nghiệp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trong dài hạn…



EU là thị trường rất lớn với 27 nước thành viên, có khoảng 500 triệu dân; trong
đó nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu
dệt may toàn cầu, dự báo năm 2013 đạt khoảng 234,2 tỷ USD.



Riêng xuất khẩu dệt may Việt Nam vào EU, dự báo đạt khoảng 2,379 tỷ USD (tăng
2,89%, so với năm 2012), các sản phẩm chủ yếu là quần jean, áo sơmi, áo thun,
váy, vải…



Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết, ngoài
mang lại việc giảm thuế quan từ 11,7% xuống 0%, tạo động lực tăng trưởng cho
ngành dệt may, còn tạo cơ hội trong các lĩnh vực nâng cao thương hiệu Việt Nam,
thể hiện năng lực thiết kế, chủ động nguyên liệu đầu vào, thêm nhiều hợp đồng
gia công.



Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành dệt may, trong quá trình đàm phán, Chính
phủ cần chú trọng về quy tắc xuất xứ (tỷ lệ nội địa, hàm lượng giá trị khu
vực…); thời hạn cắt giảm thuế quan hai chiều…



Trước những tác động của Hiệp định EVFTA đối với ngành thủy sản, ông Trương Đình
Hòe, Tổng thư ký VESEP cho rằng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản
ngày càng chi phí lớn hơn trong việc tuân thủ các quy định SPS và bảo tồn nguồn
lợi, do đó Hiệp định EVFTA cần giúp ngành thủy sản đạt được các mô hình tạo
thuận lợi cho việc tuân thủ quy định SPS (về an toàn thực phẩm và bệnh dịch
động-thực vật), cấp giấy chứng nhận và tiếp cận thị trường, đây là một thành
phần tích cực khi thực hiện tự do hóa thương mại hơn nữa, cùng với việc cắt giảm
thuế truyền thống.



EU là thị trường lớn và đặc biệt quan trọng của thủy sản Việt Nam, việc xóa bỏ
thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sẽ tạo lợi thế cho Việt Nam khi
cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường này.



Theo ông Võ Tân Thành, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt
Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp định EVFTA sẽ góp phần cải thiện môi trường
kinh doanh theo hướng thuận lợi, thông thoáng hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh
doanh, đầu tư trực tiếp từ EU và các nước khác vào Việt Nam.



Với quy mô và tiềm năng của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung
chuyển, kết nối hoạt động thương mại, đầu tư của EU tại khu vực ASEAN, thông qua
đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng
trưởng của Việt Nam.



Tuy nhiên, lợi ích phải cân đối nghĩa vụ, Việt Nam phải đưa thuế nhập khẩu về 0%
đối với đa số các dòng thuế, mở cửa thị trường dịch vụ so với cam kết WTO và
không loại trừ khả năng phải mở cửa thị trường mua sắm công, nên sức ép cạnh
tranh là rất lớn; đồng thời minh bạch hóa, thuận lợi hóa, nhiều quy định trong
nước về quản lý kinh doanh, đầu tư phải sửa đổi, hướng đến tạo môi trường cạnh
tranh bình đẳng.



Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công
Thương), Giám đốc Dự án EU–MUTRAP nhận định EU hiện là một trong những đối tác
hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, thương mại và đầu tư.



Hiện tại, Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam–EU (EVFTA) đang chuẩn
bị tiến đến phiên đàm phán thứ ba và dự kiến quá trình đàm phán kết thúc vào năm
2014, sẽ tạo ra “cú hích” quan trọng, thúc đẩy cho quan hệ hợp tác giữa hai bên.




Sự tham gia góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đối với quá
trình đàm phán Hiệp định EVFTA là rất cấp thiết, không chỉ liên quan trực tiếp
đến lợi ích của doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc xây
dựng và phương thức đàm phán đạt hiệu quả cao./.





Theo vietnamplus.vn