Theo số liệu thương mại mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, trong
2 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc-ASEAN đã tăng
22%, trong khi mức tăng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-ASEAN là 14,8%, Liên
minh châu Âu là 3,2%.



Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) là khu vực mậu dịch tự do đầu
tiên được thành lập giữa Trung Quốc với các nước khác, đồng thời cũng là khu vực
mậu dịch tự do lớn nhất của các nước đang phát triển.



Theo các nhà phân tích, CAFTA mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tại các thành
phố Bắc Kinh, Thượng Hải chủng loại hoa quả đến từ các nước Đông Nam Á ngày càng
nhiều, lượng hàng ngày càng lớn.



Trong khi đó, hàng loạt mặt hàng Trung Quốc cũng được chở đến các nước
Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Myanmar, với sức mua ngày càng cao.



Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Cơ
quan Phân tích và Tư vấn kinh tế Mỹ cho rằng, kinh tế Trung Quốc và ASEAN đang
trên đà tăng trưởng mạnh.



Trung Quốc có nhu cầu lớn về khoáng sản và nông sản cũng như việc tái cấu
trúc chuỗi cung ứng của ngành chế tạo các nước châu Á. CAFTA có hiệu lực từ năm
2010 đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy thương mại hai chiều Trung
Quốc-ASEAN.



Có nhà phân tích cho rằng, CAFTA ra đời đã khích lệ các cuộc đàm phán về khu
vực mậu dịch tự do khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khiến đàm phán khu vực
mậu dịch tự do của cả khu vực này bước vào thời kỳ sôi động.



Tuy nhiên, khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN vẫn tồn tại vấn đề về các
mặt thông quan, kiểm dịch y tế. Ngoài ra, Trung Quốc và một số nước ASEAN tồn
tại sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại thuộc một số lĩnh vực ngành chế
tạo.



Không những thế giữa các nước ASEAN có khoảng cách phát triển khá lớn, cơ sở
hạ tầng của các nước Lào, Myanmar, Campuchia vẫn tương đối tụt hậu, đang hạn chế
bước phát triển tiếp theo về kết nối và thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN./.





Theo vietnamplus.vn